Kết thúc tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) thông báo kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 về cơ bản vẫn giữ ổn định, không có thay đổi lớn. Cũng từ mùa tuyển sinh này, khi Luật Giáo dục đại học có hiệu lực, các trường hoàn toàn có thể tự tổ chức thi tuyển. Nhưng đến nay nhiều trường vẫn chưa muốn hiện thực hóa chủ trương này.
Vẫn muốn “3 chung”
Cách đây 2 năm, Bộ GD - ĐT đã giao cho các trường ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội... lên phương án tuyển sinh riêng. Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, từ ngày 1/1/2013, Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực thì những trường được Bộ giao lên phương án tuyển sinh đều có thể tự tổ chức thi tuyển. Theo đó, các trường được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Các trường sẽ được tự chọn phương thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp vừa thi vừa xét tuyển. Tuy nhiên, những trường trọng điểm được Bộ giao lên phương án tuyển sinh riêng thì nhiều trường vẫn muốn duy trì “3 chung” nhằm tạo sự ổn định.
Dù các trường có thể tự tổ chức thi tuyển, nhưng kỳ tuyển sinh năm 2013 vẫn sẽ không có thay đổi lớn. Ảnh: Phương vy - TTXVN |
Hiện nay, một số trường trọng điểm được Bộ giao lên phương án tuyển sinh vẫn chưa xây dựng được để gửi về Bộ. ĐH Bách khoa Hà Nội là một ví dụ, GS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, có rất nhiều vấn đề cần phải xem xét. Nếu thi riêng chắc chắn sẽ tạo áp lực cho học sinh. Vì vậy mùa thi năm tới trường vẫn tổ chức kỳ thi theo phương án “3 chung” của Bộ.
GS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, năm 2013, trường vẫn lựa chọn phương án “3 chung” của Bộ GD - ĐT chứ không ra đề riêng, tổ chức thi riêng. Bởi để hiện thực hóa việc này cần phải có thời gian để xây dựng đội ngũ chuyên gia, xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực…
Một số trường cho rằng khi xây dựng xong phương án phải trình để Bộ xem xét. Nhiều vấn đề vướng mắc trong tuyển sinh hiện nay cần có cơ chế phối hợp thì mới giải quyết được. Nhiều câu hỏi đặt ra như: Thí sinh thi vào các trường thi riêng có được sử dụng kết quả vào các trường thi chung hay không, nếu thí sinh trúng tuyển cùng lúc cả 2 trường thì giải quyết thế nào? Đây chính là điều các trường lo lắng bởi không muốn bản thân cũng như các thí sinh dự thi vào trường mình bị “cô lập” với guồng tuyển sinh vẫn đang theo phương thức “3 chung” như hiện nay.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, trách nhiệm lớn nhất mà các trường cần làm đối với xã hội là bảo đảm chất lượng đào tạo. Tự chủ tuyển sinh được quy định đi kèm với những điều khoản giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo trong suốt quá trình sinh viên học tập tại trường. Thay vì quy định chương trình khung như trước đây, Luật Giáo dục đại học lần này quy định về chuẩn tối thiểu kiến thức, kỹ năng đối với người học sau khi tốt nghiệp. Việc kiểm định là bắt buộc đối với tất cả các trường để thực hiện quyền tự chủ. Trên cơ sở kết quả kiểm định chất lượng, các trường sẽ được xếp hạng theo những tiêu chí cụ thể.
Hiện nay, Bộ GD - ĐT đã nhận được phương án đề xuất tuyển sinh của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng phương án các trường đưa ra không xem xét thực hiện trong năm 2013.
Thay đổi phù hợp điều kiện tuyển sinh
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 cơ bản vẫn giữ ổn định, không có thay đổi lớn. Bộ vẫn giữ thi tuyển sinh theo phương thức “3 chung” (chung đợt, chung đề, chung kết quả), không bổ sung thêm khối thi. Thời gian thi vẫn ấn định 3 đợt (2 đợt thi ĐH và 1 đợt thi CĐ). Với các trường tuyển sinh khối năng khiếu sẽ được xem xét thí điểm tự chủ tuyển sinh riêng trên cơ sở đề án gắn với trách nhiệm tự chủ.
Theo Bộ GD - ĐT, năm tới không tăng về quy mô tuyển sinh để đảm bảo chất lượng đào tạo. Việc xác định chỉ tiêu sẽ giao cho các trường thực hiện căn cứ theo Thông tư 57 (căn cứ trên số giảng viên, cơ sở vật chất) đã ban hành. Những trường nào xác định chỉ tiêu không trung thực với năng lực hiện có sẽ bị Bộ xử phạt mạnh, trừ chỉ tiêu năm kế tiếp.
Đồng thời, Bộ GD - ĐT sẽ mở rộng ưu tiên xét tuyển đối với những huyện nghèo và 20 huyện biên giới, hải đảo thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long không có trong danh sách huyện nghèo của Chính phủ. Việc mở rộng này xuất phát từ quan điểm tạo điều kiện để thí sinh những vùng này có thể vào học ĐH. Ngoài ra Bộ mở rộng diện ưu tiên cho 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ để xem xét đưa vào quy chế tuyển sinh.
Hiện nay, Bộ GD - ĐT đã cử 3 đoàn thanh tra kiểm tra về tình hình tuyển sinh và xác định chỉ tiêu cho năm 2013 của 30 trường ĐH, CĐ. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, các trường sẽ xác định chỉ tiêu 2013 của mình dựa trên các điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… Những trường nào xác định chỉ tiêu không đúng với năng lực sẽ bị trừ chỉ tiêu năm kế tiếp.
Lê Vân