Tuyển sinh riêng: Thiếu 'sợi chỉ đỏ'

Hôm nay (15/10) là hạn cuối cùng để các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) gửi đề án tuyển sinh riêng về Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD - ĐT), bên cạnh việc xác định môn thi chính. Tính đến chiều 14/10, đã có trên 50 trường gửi đề án tuyển sinh riêng về Bộ.

Sau những lúng túng do việc Bộ GD - ĐT bất ngờ thay đổi chỉ đạo về đề án tuyển sinh riêng (chọn trong các môn theo khối thi), thì các trường cũng đã nhanh chóng vào cuộc, chỉnh sửa lại phương án cho phù hợp và trình lên Bộ như quy định. Tuy nhiên, có một điều khiến bản thân các trường cũng băn khoăn và thể hiện rõ trong việc xây dựng đề án: Tính kỹ thuật của kỳ thi vẫn chưa được Bộ GD - ĐT làm rõ, có nghĩa là thiếu “sợi chỉ đỏ” dẫn đường cho các đề án. Bởi vậy, thật dễ hiểu khi mỗi trường đưa ra một kiểu đề án.

“Trăm hoa đua nở”


Trường ĐH Nam Cần Thơ đưa ra 2 phương thức tuyển sinh. Phương thức thứ nhất là xét tuyển dựa theo quá trình học tập (học bạ) bậc THPT hoặc tương đương vào các ngành bậc ĐH và CĐ hệ chính quy; dành cho đối tượng là người đang theo học bậc THPT (hoặc tương đương) và người đã tốt nghiệp THPT (hoặc tương đương). Còn phương thức thứ hai là xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia (đối với thí sinh tham gia dự thi tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì có nguyện vọng lấy kết quả để tuyển sinh trong cùng năm xét tuyển) vào các ngành bậc ĐH và CĐ hệ chính quy; dành cho đối tượng là thí sinh đã tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia (hoặc tương đương) do Bộ Giáo dục - Đào tạo thống nhất tổ chức từ năm 2015 trở về sau.

Các trường vào cuộc chọn phương án thi phù hợp.Ảnh: Quý trung - TTXVN


Đối với phương thức xét tuyển kết quả học tập THPT, ngoài tổ hợp các môn học tương tự khối thi truyền thống, trường thiết lập nhiều tổ hợp môn học mới dùng để xét tuyển như toán, tiếng Anh, công nghệ; toán, lý, công nghệ; lý, hóa, công nghệ… Tương tự, môn tin học cũng xuất hiện ở nhiều tổ hợp môn học dùng để xét tuyển như toán, công nghệ, tin học; toán, hóa, tin học; toán, tiếng Anh, tin học.

Trường ĐH Y Hà Nội sẽ lấy kết quả từ 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển vào trường. Ba môn mà trường này xét tuyển vẫn là toán, hóa, sinh và không nhân hệ số. Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y cho biết, trường có thể sơ tuyển tất cả các đối tượng, trừ đối tượng tuyển thẳng. Tiêu chí sơ tuyển dựa vào tổng điểm trung bình của ba môn toán, hóa và sinh học của năm học kỳ THPT (6 học kỳ đối với các thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước). Điểm đạt sơ tuyển phải đạt yêu cầu điểm trung bình của mỗi môn toán, sinh học và hóa học phải trên 7 điểm đối với hệ bác sỹ, và trên 6 điểm đối với hệ cử nhân. Một số lãnh đạo trường đại học y đề xuất sử dụng môn văn để xét tuyển vào trường y. Tuy nhiên ông Nguyễn Đức Hinh cho rằng, trước mắt chưa thể tiến hành tuyển sinh dùng môn văn xét tuyển vào trường y. Với phương án này, cần ít nhất vài năm để chuẩn bị trước khi có thể thực hiện.

Ở phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, trường cũng tổ hợp nhiều nhóm môn thi mới như lý, hóa, văn; lý, sinh, văn; văn, sử, tiếng Anh…
Đặc biệt, đề án của Trường ĐH Nam Cần Thơ công bố sẽ xét tuyển vào ngành dược học của trường với nhiều nhóm môn thi mới. Cụ thể các môn để xét tuyển vào ngành dược của ĐH này như sau: toán, lý, hóa; toán, hóa, sinh; toán, hóa, tin; lý, hóa, sinh. Trước đó, theo quy định của Bộ GD-ĐT, ngành học này chỉ được tuyển sinh khối A với các môn toán, lý, hóa.

Nhiều trường ĐH khác như ĐH Đông Đô (Hà Nội) cũng lựa chọn song song hai phương thức tuyển sinh là xét tuyển dựa vào kỳ thi THPT quốc gia với mức điểm tối thiểu theo qui định của Bộ GD-ĐT, đồng thời xét tuyển dựa vào kết quả học tập của học sinh ở bậc THPT. Trường CĐ Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh lựa chọn phương án: 50% chỉ tiêu xét theo điểm kì thi THPT quốc gia, còn lại sẽ xét theo điểm THPT.

Còn với trường ĐH Trưng Vương (Vĩnh Phúc), các ngành tuyển sinh trong năm 2015 gồm kế toán, tài chính - ngân hàng và quản trị kinh doanh (ở cả hai hệ ĐH và CĐ) sẽ sử dụng hai hình thức: Chỉ 30% chỉ tiêu xét tuyển căn cứ vào kết quả kì thi THPT quốc gia, 70% còn lại sẽ xét tuyển theo học bạ.

Trường ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội) sẽ xét tuyển kết quả theo kì thi THPT quốc gia và song song kết hợp xét tuyển theo kết quả học tập THPT của học sinh, cho các khối ngành kinh tế, quan hệ công chúng, kỹ thuật công trình xây dựng, kỹ thuật môi trường.

Trong khi đó, ĐH Quốc gia Hà Nội mới đây công bố phương án tuyển sinh hoàn toàn độc lập theo dạng bài đánh giá năng lực. Tuy nhiên, theo đề án đổi mới tuyển sinh, năm 2015, trường dự kiến chỉ áp dụng phương án đánh giá năng lực đối với các ngành có chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế. Năm 2016 trường mới áp dụng đại trà tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực cho tất cả ngành đào tạo ĐH.

Theo quy định, tất cả những đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ sẽ được Bộ GD-ĐT công bố trên phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến xã hội trong vòng 1 tháng. Sau đó, bộ GD-ĐT sẽ tổng hợp ý kiến và đề nghị các trường chỉnh sửa, từ đó xác nhận đề án nào phù hợp với quy định để các trường triển khai.

Chọn cách “an toàn”


Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015, các trường có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh, phải xác định các môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành đào tạo của trường. Việc xác định này dựa trên các nguyên tắc: Xác định tổ hợp kết quả các môn thi tương ứng với khối thi đã thực hiện những năm vừa qua để xét tuyển.

Lãnh đạo một số trường ĐH cho rằng, với sự thay đổi liên tục mà Bộ GD-ĐT đưa ra, các trường đã lựa chọn phương án “an toàn” là tạm thời năm nay chưa thực hiện tuyển sinh riêng. Trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh là một ví dụ. Những năm qua, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã đầu tư tài chính, vật lực cho đề án tuyển sinh riêng theo lộ trình mà Bộ GD-ĐT đã đề ra. Từ năm 2012, trường đã công bố bản dự thảo đề án cải tiến công tác tuyển sinh ĐH theo hướng đánh giá năng lực dựa vào các môn thi tích hợp như: toán, tiếng Việt, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, Anh văn và năng khiếu.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau khi có quy định của Bộ về việc xây dựng đề án tuyển sinh riêng theo tổ hợp kết quả môn thi, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh bất ngờ công bố sẽ không tổ chức thi tuyển sinh riêng như đề án đã trình Bộ GD-ĐT, mà sử dụng kết quả kỳ thi chung quốc gia để xét tuyển. Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, việc thay đổi như vậy là nhằm tránh gây xáo trộn cho học sinh. “Bộ GD-ĐT phải có lộ trình để các trường thực hiện, chứ không phải là cứ đưa ra quy định đến đâu rồi các trường thực hiện đến đó trong khoảng thời gian quá ngắn. Bởi để chuẩn bị cho đề án tuyển sinh riêng cần nhiều thời gian tính toán và có sự chuẩn bị kỹ. Tôi chắc chắn, nhiều trường xây dựng lại chỉ dựa trên “nền” của kỳ thi THPT quốc gia. Trong khi cái “nền” này chưa có nhiều điểm rõ ràng, đặc biệt là khâu kỹ thuật của kỳ thi”, ông Nguyễn Đức Nghĩa cho biết.

Tương tự như vậy, theo bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương (Hà Nội), năm 2015 trường sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, mà không tổ chức phương án thi riêng nào khác. Cụ thể, các khối thi sẽ vẫn giữ nguyên như năm ngoái là A, A1, D. Đối với các ngành ngôn ngữ thì môn ngoại ngữ vẫn nhân hệ số 2. Tuy nhiên, có thêm điều kiện để thí sinh được nộp hồ sơ dự tuyển là điểm trung bình chung học tập của mỗi năm học THPT phải đạt từ 6,5 trở lên và hạnh kiểm đạt loại khá trở lên.

Bên cạnh đó, các thí sinh đã tốt nghiệp năm ngoái thì ngoài xét qua điểm 3 môn khối thi, cũng phải đạt điều kiện này, tức là học bạ của các năm học trước vẫn phải từ 6,5 trở lên. Bà Thủy cho biết, với cách làm như vậy vừa tránh được sự xáo trộn đối với thí sinh, vừa đánh giá được một cách toàn diện học sinh, tránh tình trạng phải đến năm học cuối của phổ thông học sinh mới cố gắng để điểm trung bình chung được 6,5. Cũng theo bà Thủy, ĐH Ngoại thương sẽ không công nhận kết quả của thí sinh tham dự kỳ thi do các Sở GD - ĐT tổ chức.


Lê Vân

Sẽ sớm có quy chế tuyển sinh 2015
Sẽ sớm có quy chế tuyển sinh 2015

Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 đang được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục khẩn trương xây dựng, sẽ được ban hành vào đầu năm 2015. Như mọi năm, đến tháng 2 quy chế mới được công bố, nhưng năm nay sẽ sớm hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN