Năm học 2014 - 2015 là năm đầu tiên áp dụng Thông tư 30 về đánh giá với học sinh tiểu học. Theo đó, buổi họp tổng kết năm học, các bậc cha mẹ không còn nhận được phiếu xếp loại học sinh giỏi, khá... mà thay vào đó, mỗi trường có 1 phiếu đánh giá học sinh. Điều này khiến hầu hết các phụ huynh và giáo viên bối rối.
Lúng túng xếp loại
Cầm trên tay tấm giấy khen của cô con gái học lớp 3, một phụ huynh (xin giấu tên) ở quận Long Biên, Hà Nội cho biết: “Con đạt điểm giỏi gần như tất cả các môn học và được đánh giá là “Đạt”. Tuy nhiên, điều đáng nói là mức đánh giá “Đạt” này lại áp dụng cả với những bạn được điểm khá. Theo hình thức đánh giá cũ, học sinh đạt loại khá khác hoàn toàn với học sinh giỏi chứ”.
Một mẫu giấy khen ở một trường tiểu học ở Vũng Tàu (Ảnh: Giáo viên cung cấp). |
Vị phụ huynh này cũng cho biết thêm: “Ngay cả với con trẻ, sau khi cầm giấy khen trên tay, các con đã có những so sánh với các bạn. Tất nhiên, ai học khá, giỏi, các con đều biết và thể hiện qua hoạt động trên lớp. Những quy định đánh giá này từ nhà trường, phụ huynh và học sinh đều tuân thủ, nhưng tâm phục thì chưa”.
Theo ghi nhận, những giấy khen mỗi trường mỗi khác, mỗi học sinh là những ghi nhận, thậm chí có những giấy khen chỉ nhận xét chung chung. Cụ thể, ở một trường tiểu học giấy khen với học sinh đạt điểm tuyệt đối ghi là: Đạt thành tích xuất sắc về kiến thức, kỹ năng các môn học. Năng lực tốt. Phẩm chất tốt; Trong khi có trường ghi rõ: Mức 1(10 điểm các môn có tính điểm): Đạt thành tích xuất sắc trong học tập; rèn luyện và phong trào thi đua, Mức 2(9 - 10 điểm): Đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện; Mức 3(tham gia và có giải thưởng): Đạt thành tích trong phong trào văn nghệ, thể dục thể thao. Tuy nhiên khi có trường chỉ ghi hai mức: Đạt danh hiệu học sinh tiêu biểu xuất sắc và Đạt danh hiệu học sinh tiêu biểu.
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, những nhận xét này hoàn toàn mang tính định tính. Do đó chưa thể đánh giá được năng lực thực sự của học sinh. Đây mới là điều nhiều phụ huynh mong mỏi cũng như chính những học sinh mong được nhìn nhận đúng. Trong những ngày vừa qua, các trường liên tiếp tổ chức các buổi tổng kết, không ít phụ huynh tỏ ra hụt hẫng, thậm chí là bức xúc với cách ghi nhận này. Thậm chí, có phụ huynh chia sẻ, mặc dù tính theo điểm con được 9 - 10 nhưng lại không đạt thành tích xuất sắc do bình bầu của lớp là không năng nổ trong các hoạt động phong trào. Do đó, dù có học lực giỏi, nhưng lại không đạt danh hiệu xuất sắc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh. Trong khi cách áp dụng này hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi tiểu học, khi nhân cách của các con còn chưa hình thành.
Đánh giá cả quá trình
Theo Thông tư 30, Hiệu trưởng sẽ quyết định tỷ lệ học sinh được khen toàn diện ở trường mình. Căn cứ vào tỷ lệ này, tập thể lớp sẽ bình chọn với 3 tiêu chí: Học tập, năng lực và phẩm chất. Giáo viên chủ nhiệm lấy ý kiến của cả lớp rồi quyết định khen thưởng học sinh toàn diện. Số còn lại, ở một số trường, sẽ xem xét, học sinh nào tích cực về mặt học tập, có thể có 4 - 5 điểm 9, điểm 10 thì biểu dương về tinh thần học tập, còn em nào có ý thức tốt sẽ tuyên dương về năng lực phẩm chất. Như vậy, số em đạt danh hiệu học sinh xuất sắc sẽ giảm đi rất nhiều so với cách đánh giá theo điểm số.
Theo bà Lan Hương, trường tiểu học Việt Nam - Cuba, với cách đánh giá mới, điểm số của học sinh chỉ là căn cứ để đánh giá học sinh đạt hay không đạt, chứ không dùng để xếp loại. Việc đánh giá chung còn dựa vào năng lực, phẩm chất của cả quá trình học tập của học sinh trên lớp. Cụ thể, trên lớp học sinh có ngoan, có tích cực giúp đỡ bạn bè không, có hay tham gia các hoạt động của các bạn hay không, sách vở đồ dùng có gọn gàng, ngăn nắp không, có thường xuyên đi học muộn không... Nên dù có những học sinh điểm số rất cao nhưng không được khen thưởng.
Bên cạnh đó, với những đổi mới trong ghi, nhận xét đánh giá cũng khiến giáo viên vất vả hơn khi phải ghi giấy khen dài dòng hơn, chi tiết hơn. Một giáo viên (xin giấu tên) cho biết: “Không chỉ làm cả giờ trưa, mà chúng tôi còn phải cùng nhau làm tối để ghi giấy khen cho học sinh. Đã bở hơi tai với phát giấy khen, đánh giá xong giờ lại là những thắc mắc của phụ huynh. Họ đến kiến nghị, so bì từng mặt đánh giá. Thậm chí, có phụ huynh còn cho rằng giáo viên không công bằng. Thực ra, tôi hiểu những mong mỏi và kỳ vọng của phụ huynh, nhưng với cách đánh giá mới này, phụ huynh cần hiểu là các con mình cần được khuyến khích, động viên là nhiều và đánh giá là cả quá trình chứ không chỉ căn cứ vào điểm. Nếu chỉ so sánh về điểm sẽ trở lại như trước đây mà thôi”.
Lê Vân