Phát biểu tại lễ trao thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Liêm biểu dương những nỗ lực của thầy, cô giáo, cán bộ quản lý đã có nhiều đóng góp tích cực cho ngành giáo dục, cống hiến cả tuổi thanh xuân vì sự nghiệp “trồng người”.
“Lãnh đạo Thành phố luôn quan tâm, xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển. Trong đó, đội ngũ thầy cô giáo, những chiến sĩ trực tiếp trên bục giảng, phải được ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển”, Phó Chủ tịch thường trực Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.
Ngành Giáo dục thành phố những năm qua đã thể hiện mạnh mẽ vai trò ngọn cờ đầu với nhiều sáng kiến, giải pháp đột phá nâng cao chất lượng giáo dục đã trở thành điển hình và lan tỏa khắp cả nước. Lãnh đạo Thành phố cũng đã đặt cho Ngành giáo dục nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là phải đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng quốc tế, giàu lý tưởng, giỏi tay nghề, sống đẹp, sống tốt và sống có ích...
Chúc mừng các thầy cô giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Phó Chủ tịch Thường trực Lê Thanh Liêm khẳng định, chăm lo cho việc học luôn là ưu tiên hàng đầu của hầu hết các bậc phụ huynh. Vì vậy, cha mẹ, gia đình và xã hội gửi gắm tương lai của con trẻ cho thầy cô, nhà trường với niềm hy vọng và sự tin tưởng rất lớn.
Xã hội luôn dành sự tôn trọng, trân quý cho những người thầy, người cô, cho “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Thầy cô giáo là những cha mẹ thứ hai của các em, là kỹ sư tâm hồn, là người đặt nền móng cho sự phát triển trong tương lai của thành phố, của đất nước và nhân loại.
Mỗi thầy cô giáo, cán bộ quản lý được vinh danh lần này tuy có vị trí công việc và hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung yêu nghề, hết lòng vì thế hệ tương lai, là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo của ngành giáo dục và đào tạo thành phố.
Điểm chung của các thầy, cô còn là tâm huyết, thâm niên, am hiểu nghề nghiệp; có uy tín trong tập thể sư phạm nhà trường, được đồng nghiệp tín nhiệm, tin yêu, được phụ huynh và học sinh kính trọng; có sáng kiến, giải pháp cụ thể nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyên môn.
Trong 50 nhà giáo tiêu biểu được vinh danh lần này, có 40 giáo viên và 10 cán bộ quản lý đến từ các cơ sở giáo dục tại 24 quận, huyện.
Điển hình nhận giải thưởng năm nay là cô Phạm Thị Bích Hạnh, giáo viên Trường Mầm non 11 (quận Tân Bình) đã gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ suốt 25 năm. Bản thân luôn phải chống chọi với bệnh nan y nhưng cô Bích Hạnh vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ công tác.
Cô Bích Hạnh chia sẻ, niềm vui chính là được nhìn thấy sự trưởng thành của học trò, vì vậy mỗi khi bước chân vào lớp, mọi vui buồn cá nhân đều được gác lại ngoài cửa. Tận tụy với nghề, cô Phạm Thị Bích Hạnh đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng và bằng khen của ngành, thành phố, đây cũng là kết quả của quá trình phấn đấu không mệt mỏi, trở thành tấm gương sáng về ý chí và nghị lực cho các đồng nghiệp noi theo.
Tương tự, người chủ động chọn nghề là cô Phạm Thị Mộng Lan, giáo viên trường Hy Vọng, quận 6 đã xin được làm việc tại trường khi một lần vô tình nhìn thấy các em khiếm thính chào cờ và hát quốc ca bằng ngôn ngữ ký hiệu.
“Dạy một học sinh bình thường đã khó, dạy dỗ học sinh khiếm khuyết có hoàn cảnh đặc biệt càng khó khăn hơn rất nhiều. Chỉ riêng việc dạy cho các em biết đọc, biết viết đã là một hành trình rất dài”, cô Phạm Thị Mộng Lan chia sẻ.
Theo cô Lan, hành trình đó bắt đầu từ việc dạy các em học bảng chữ cái và phải lập đi, lập lại nhiều lần bằng cách ra dấu tay, nhìn mặt chữ rồi mới học viết. Sau thời gian dài học thuộc, các em sẽ học ghép từ, rồi thành câu ngắn, câu dài; riêng những từ không có dấu hiệu thì phải sử dụng hình ảnh...
“Trong quá trình học, các em sẽ học thêm cách giao tiếp, nhất là với người khác bằng ngôn ngữ ký hiệu, hoặc thông qua chữ viết... Cũng từ các em cùng các cô thầy đồng nghiệp, bản thân cũng học được rất nhiều từ và càng hiểu, cảm thông với các em bị khiếm khuyết”, cô Mộng Lan chia sẻ.
Giải thưởng Võ Trường Toản không chỉ tôn vinh, giới thiệu cho toàn xã hội những tấm gương tiêu biểu của ngành giáo dục mà giải thưởng còn lan tỏa tinh thần yêu nghề, đạo đức công vụ, xây dựng hình mẫu người thầy, cô tiêu biểu của ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.