Câu chuyện nhà ở xã hội (NƠXH) "đi chệch" đối tượng thụ hưởng đã khiến dư luận bất bình, và đòi hỏi những biện pháp quản lý chặt chẽ, nhằm đảm bảo một chính sách đầy nhân văn của Đảng và Nhà nước ta mang lại lợi ích cho đúng những người cần hỗ trợ.
Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, đã quy định cụ thể 12 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH, bao gồm những nhóm như: Người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo và cận nghèo, người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp; học sinh, sinh viên… Về điều kiện mua NƠXH thì đối tượng người thu nhập thấp được hưởng chính sách hỗ trợ phải chưa có nhà ở, chưa được mua, thuê NƠXH, hoặc có diện tích nhà ở mặt sàn bình quân đầu người thấp hơn 15m2 và thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, trên thực tế, NƠXH vẫn là niềm mơ ước xa vời của nhiều người lao động thu nhập thấp, trong khi lại là một “món hời” mà những người có thu nhập cao muốn “tranh thủ” để kiếm lợi. Có đủ mánh lới để họ tìm cách có được “miếng bánh” nhà ở xã hội. Từ nhờ người thân đủ điều kiện mua NƠXH nhưng không có tiền đứng tên mua hộ, đến “lách luật” bằng cách chứng minh thu nhập dưới mức quy định, không phải đóng thuế thu nhập cá nhân và chứng minh chưa sở hữu nhà dù thu nhập thực tế rất cao. Chính vì thế dư luận cũng không quá bất ngờ khi chứng kiến những khu nhà ở xã hội có tỉ lệ căn hộ có ô tô cá nhân khá cao, thậm chí có cả xe sang trong bãi xe của những khu căn hộ này.
Đường đi của người muốn trục lợi chính sách về NƠXH còn thông qua các “thủ thuật” để vượt qua những khâu xét duyệt hồ sơ. Hồi tháng 8/2023, dư luận từng rất bức xúc trước vụ việc, tại dự án NƠXH Trung Văn (Hà Nội), trong số hàng ngàn người chen nhau bốc thăm để giành suất mua nhà, kết quả thẩm định đã phát hiện nhiều trường hợp có “sổ đỏ”, “sổ hổng”, thậm chí đã đứng tên sổ 300 m2 đất vẫn trúng suất. Và không ít căn NƠXH về tay người giàu, sẽ tiếp tục được đưa vào thị trường mua bán, cho thuê trái quy định, như loạt vụ việc vừa được phát hiện ở Bắc Ninh, Bắc Giang.
Tình trạng trục lợi chính sách về NƠXH đã khiến người lao động nghèo, có nhu cầu thực sự bức thiết về nơi ở, bị đi mất cơ hội trên hành trình tìm kiếm một căn nhà phù hợp với điều kiện, đâu đó tạo ra một nghịch lý, đi ngược lại với chủ trương chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước ta.
Lòng tham của những kẻ trục lợi được tiếp tay bởi những chiêu trò gian lận, khai thác các kẽ hở trong thủ tục, chính sách. Chẳng hạn, điều kiện về thu nhập của người được mua NƠXH là dưới 15 triệu đồng/tháng, thì “người giàu” cũng không khó để “lách luật”. Những người có thu nhập cao trên thực tế, tức là có nhiều nguồn thu khác ngoài lương và tiền công, như nghề “tay trái”, lãi gửi tiết kiệm, nguồn kiều hối, vẫn dễ dàng xin xác nhận từ cơ quan, doanh nghiệp rằng họ hưởng thu nhập trong điều kiện quy định. Việc xác định thu nhập của một cá nhân thực ra là một vấn đề nan giải nói chung, không riêng gì với hoạt động mua NƠXH, khi chúng ta vẫn chưa thể làm tốt công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân đối với tất cả các hoạt động mang lại thu nhập.
Trong khi đó, cơ chế hỗ trợ cho người có thu nhập thấp vẫn chưa đủ “thoáng”. Chẳng hạn, với quy định như hiện nay thì những người đủ điều kiện để mua NƠXH lại khó đủ khả năng để trả lãi và tiền gốc vay ngân hàng hằng tháng. Đó cũng là một trong những lý do khiến gói tín dụng NƠXH trị giá 120 nghìn tỷ đồng, sau hơn 1 năm triển khai (từ tháng 4/2023), đến tháng 6/2024, mới chỉ giải ngân được trên 1%, với 1.344 tỷ đồng. Một cơ chế vay với lãi suất giảm sâu hơn so với lãi suất vay thương mại và kỳ hạn vay ưu đãi dài hơn sẽ là một cú hích, hỗ trợ mạnh hơn để người nghèo chạm đến căn NƠXH mơ ước.
Một tín hiệu đáng mừng là Luật Nhà ở 2023, có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024 đã quy định những điểm mới nhằm hạn chế những bất cập trong chính sách hỗ trợ về NƠXH, như bổ sung một nhóm đối tượng hưởng chính sách; bỏ quy định về nơi cư trú, quy định bên mua NƠXH không được bán lại nhà trong thời hạn tối thiểu 5 năm; hoặc trong thời hạn 5 năm, chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý NƠXH đó hoặc cho đối tượng thuộc diện được mua NƠXH. Luật Nhà ở 2023 cũng quy định rõ UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất để phát triển NƠXH theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt; cũng như các quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư NƠXH…. Bên cạnh đó, Nghị định số 94/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, cũng đã yêu cầu công khai thông tin về các dự án NƠXH, người mua NƠXH để giảm, tránh tình trạng trục lợi chính sách.
Trong khi những thách thức như nguồn cung NƠXH còn xa với nhu cầu, bài toán hạ lãi suất với các NH thương mại, chắc chắn chưa thể sớm giải quyết, thì việc có thể làm ngay siết chặt các quy trình xác định đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách. Các cơ quan chức năng cần phối hợp nhiều biện pháp, từ công tác cung cấp thông tin, xác minh, kiểm tra; đến công khai minh bạch thông tin về người thụ hưởng với công chúng để có thể tiếp nhận những phản ánh, khiếu nại từ người dân. Công tác hậu kiểm, rà soát, kiểm tra quá trình sử dụng căn hộ tại các dự án NƠXH... cũng cần được siết chặt để phát hiện những trường hợp mua bán, cho thuê trái quy định.
Việc triển khai thực hiện nghiêm các quy định về NƠXH sẽ góp phần củng cố niềm tin nơi người lao động, lan tỏa ý nghĩa của một chính sách đầy nhân văn mà Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng.