Bất chấp “quả bom” can thiệp bầu cử Mỹ đã được Công tố viên đặc biệt Robert Mueller "kích nổ" chỉ 3 ngày trước, bất chấp những tiếng nói chống Nga còn nặng nề trong chính giới Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã quyết tâm đến Helsinki dự Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Nga – Mỹ đã rơi xuống mức thấp kỷ lục kể từ sau Chiến tranh Lạnh khi hầu hết các kênh liên lạc được thành lập giữa hai nước trong 8 năm qua đã bị đóng băng, không một cuộc gặp thượng đỉnh song phương chính thức nào diễn ra trong 8 năm đó. Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt Nga liên quan việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, ủng hộ lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine cũng như can thiệp vào cuộc xung đột ở Syria. Dưới thời Tổng thống Trump, Washington tiếp tục áp đặt trừng phạt một loạt cá nhân và tổ chức của Nga với cáo buộc Moskva can thiệp cuộc bầu cử Mỹ 2016.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Putin trong cuộc họp báo chung sau hội đàm. Ảnh: New York Times |
Những căng thẳng, thù địch bám sâu gốc rễ từ thời Chiến tranh Lạnh đã hằn lên suy nghĩ, quan điểm của không chỉ đa số chính giới mà còn cả với người dân Mỹ nhất là khi nước Nga kỷ nguyên Putin đang trên đường tìm lại vị thế và ảnh hưởng của một cường quốc thế giới. Chuyến bay của Tổng thống Trump tới Helsinki vì thế mang theo nhiều lo lắng từ trong nước cũng như từ các đồng minh G7, NATO và EU – những đồng minh mà ông Trump đã không ngần ngại buông những lời công kích trực diện, thậm chí còn coi là “kẻ thù”. Họ lo ngại ông Trump sẽ “bán lại” Syria cho Nga, lo ông sẽ trao cơ hội “xóa bỏ trừng phạt” Moskva, lo ông cam kết những thỏa thuận có lợi cho Kremlin và bất lợi với đồng minh.
Nhưng thực tế đã cho thấy đó chỉ là những mối “lo xa”. Từ trước khi tới Helsinki, cả hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã không hề giấu giếm rằng họ không trông đợi cao vào kết quả cuộc gặp. Sau hơn 4 giờ đàm phán kín và hội đàm mở rộng, nguyên thủ Nga – Mỹ bước ra khỏi phòng họp không mang theo một Tuyên bố chung với những cam kết, mà chỉ đưa ra phát biểu chung chung mang hơi hướng chủ đạo là hòa giải. Lợi ích quốc gia quá khác biệt, trong khi hai nước lại đối đầu gay gắt ở hàng loạt vấn đề như cuộc khủng hoảng Ukraine, vấn đề Crimea, xung đột Syria, hạt nhân Iran, cộng với “bóng ma” của nghi án Nga can thiệp bầu cử đã khiến việc hội nghị Helsinki không đạt được một thỏa thuận đột phá nào là hoàn toàn dễ hiểu. Trong bối cảnh Tổng thống Trump chịu nhiều sức ép từ trong nước, còn ông Putin đang trên “thế thắng” ở nhiều mặt trận địa chính trị, việc hai nhà lãnh đạo cùng ngồi xuống bên bàn đàm phán mặt đối mặt đã là bước tiến lớn nhất mà hai bên có thể đạt được.
Gần 5 tuần trước, khi ông Trump gặp ông Kim Jong Un tại Singapore, chỉ riêng việc cuộc gặp diễn ra được đã là một thành công, bởi chưa từng có lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên nào gặp nhau trong lịch sử. Điều này rõ ràng đã không lặp lại tại Helsinki. Chuyến đi của Tổng thống Trump có trở thành lịch sử hay không còn phụ thuộc vào việc hai nước sẽ đạt được những tiến triển ra sao sau đó. Kết quả chắc chắn sẽ không đến nhanh chóng, nhưng ít nhất cuộc gặp tại Helsinki đã đặt được những viên gạch đầu tiên cho một quá trình thảo luận thực chất và lâu dài, nhằm cùng nhau tháo gỡ những bất đồng và thành kiến thâm căn cố đế giữa hai nước.
“Cuộc họp hôm nay chỉ là bước mở đầu của một tiến trình lâu dài hơn, nhưng chúng tôi đã đặt bước đi đầu tiên hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, một hội nghị với cuộc đối thoại mạnh mẽ và rất nhiều suy ngẫm”, đó là lời ông Trump phát biểu. Về phần mình, ông Putin đã khéo léo đá quả bóng sang sân nhà lãnh đạo Mỹ bằng một hình ảnh ẩn dụ - tặng món quà là quả bóng World Cup 2018. Nga và Mỹ rốt cuộc sẽ chơi một trận đấu bóng ra sao, đó sẽ là nhân tố quan trọng quyết định nền hòa bình và ổn định trên thế giới.
Nhìn lại quãng đường đã qua, có thể thấy rằng cả Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin đã nỗ lực rất nhiều, đã vượt qua hàng loạt rào cản nội bộ, dẹp bỏ hàng loạt nghi ngại để xích lại gần nhau và cùng hướng tới mục tiêu chung cải thiện quan hệ song phương, cũng như cùng nhau giải quyết các vấn đề điểm “nóng” của thế giới. “Chúng ta có niềm tin, chúng ta dám hành động” là câu ngạn ngữ nổi tiếng của nước Mỹ và có lẽ chính niềm tin đã giúp hai nhà lãnh đạo Trump và Putin dám bước những bước đi đầu tiên mang theo hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho quan hệ Nga-Mỹ.