Nếu như cách đây vài tháng, thế giới hầu như chỉ dồn sự chú ý vào việc khu vực đồng euro tìm cách ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp thì nay, lại xuất hiện thêm một mối quan ngại lớn nữa khi kinh tế Mỹ đang có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Trước đó, vào đầu tháng 8, thị trường tài chính toàn cầu tạm thở phào sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật nâng mức trần nợ công. Tuy nhiên, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Chỉ sau đó vài ngày, ngày 6/8, hãng đánh giá tín dụng Standard & Poor’s, (S&P) lần đầu tiên hạ điểm tín nhiệm của tín dụng Mỹ. Mặc dù, đại diện của chính phủ Mỹ chỉ trích quyết định của S&P là “không thỏa đáng và sai lầm”, song ngay chính người Mỹ cũng khó lạc quan về kinh tế trong nước. Thậm chí, tương lai ảm đạm của kinh tế Mỹ đã khiến các nhà phân tích cảnh báo khả năng S&P một lần nữa sẽ hạ mức tín nhiệm của trái phiếu Mỹ vào tháng 11 tới.
Tình hình châu Âu cũng không sáng sủa hơn khi ngoài Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Aixơlen - những “ứng cử viên sáng giá” trong danh sách các quốc gia có nguy cơ vỡ nợ, Italia - một thành viên trong Nhóm G7 hùng mạnh - cũng đang bị liệt vào danh sách có thể bị bão nợ công tàn phá khi mức nợ công của nước này đã tương đương 128% GDP.
Triển vọng u ám của hai nền kinh tế đầu tàu đã gây tâm lý lo ngại trên toàn cầu, đặc biệt là khi đồng USD và euro được nhiều quốc gia chọn lựa để dự trữ ngoại tệ. Điển hình là Trung Quốc, với dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới trị giá trên 3.000 tỷ USD, đã đứng ngồi không yên khi chứng kiến khối tài sản bằng đồng USD và euro đang giảm dần giá trị. Trung Quốc đã cân nhắc đến khả năng mua lại các khoản nợ của châu Âu nhằm ngăn chặn nguy cơ lượng euro dự trữ sẽ trở thành giấy vụn một khi khu vực này bị vỡ nợ. Đối với trái phiếu Mỹ, chiếm tới 1/3 tổng giá trị dự trữ ngoại hối, Trung Quốc đang đứng trước mối nguy phải trả giá đắt sau nhiều năm thực hiện phương án tăng cường mua vào USD để kìm giá đồng nội tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu.
Trong tuần qua, các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đồng loạt sụt giảm khiến cho thị trường vốn toàn cầu mất khoảng 2.500 tỷ USD, tương đương với quy mô của nền kinh tế Pháp. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số sụt giảm cuối cùng. Theo các nhà phân tích, các thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục giảm trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Nếu Mỹ và châu Âu không sớm tìm ra được giải pháp triệt để đối với các vấn đề cốt lõi gồm thâm hụt ngân sách ở mức cao, tiêu dùng giảm mạnh, lạm phát tăng cao, nợ công tiếp tục phình to và kinh tế tăng trưởng trì trệ, có lẽ không quá lời khi nhận định rằng kinh tế thế giới đang cận kề nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng mới.
Cẩm Tuyến