Mới đây nhất, trưa ngày 25/2, một vụ hỏa hoạn xảy ra trên đường Phạm Thị Giây (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) đã làm một nhà dân bị hư hại tài sản, 2 căn nhà khác bị cháy xém. Trước đó, khoảng 22 giờ ngày 24/2, ba cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm, gỗ và nhựa nằm trên đường Nguyễn Văn Trà (ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) đã phát cháy dữ dội, thiêu rụi hầu như toàn bộ tài sản nhưng rất may không có thiệt hại về người. Cũng trong rạng sáng ngày 24/2, lực lượng Cảnh sát PCCC cũng đã giải cứu được gia đình 3 người, trong đó có một em bé 6 tháng tuổi, khi căn nhà trong ngõ Quỳnh, phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phát cháy.
Trước đó, ngày 19/2, một đám cháy bùng lên tại căn nhà trong hẻm đường Lê Đức Thọ (Phường 15, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) khiến một bé trai 8 tuổi tử vong; hay ngày 17/2, căn nhà nằm trong hẻm 623 đường Cách Mạng Tháng 8 (Phường 15, Quận 10, TP Hồ Chí Minh) phát cháy đã khiến 4 người tử vong.
Không chỉ cháy nhà dân, nhà xưởng mà liên tiếp còn xảy ra các vụ cháy rừng, chẳng hạn vụ cháy gần 10.000 m2 rừng thông nằm trong Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt, Lâm Đồng) xảy ra vào ngày 25/2; vụ cháy ở khu vực rìa rừng Vườn quốc gia Phú Quốc (thuộc địa bàn ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm, thành phố Phú Quốc, Kiên Giang) vào trưa ngày 25/2; hay vụ cháy rừng quốc gia Hoàng Liên tại tiểu khu 286 (thuộc thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, thị xã Sa Pa, Lào Cai) ngày 19/2 vừa qua…
Có thể khẳng định, hầu hết các vụ cháy, dù nhỏ hay lớn, đều gây thiệt hại đáng kể về tài sản. Nghiêm trọng hơn, nó có thể gây chết người và để lại nhiều ảnh hưởng tâm lý cho gia đình người bị nạn nói riêng và người dân nói chung.
Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên ban hành chỉ thị, công điện, công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, tuy nhiên tình hình cháy nổ trên toàn quốc vẫn diễn biến phức tạp. Hầu như năm nào cả nước cũng xảy ra hàng trăm vụ cháy, có những vụ cháy để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng như vụ cháy căn hộ mini tại Hà Nội trong năm 2023, vụ cháy chung cư Carina tại TP Hồ Chí Minh năm 2018…
Nhiều vụ cháy xảy ra ngay từ đầu năm mới 2024 như một lời cảnh báo và nhắc nhở về việc luôn cảnh giác với “giặc lửa”. Thời điểm sau Tết Nguyên đán, thời tiết các tỉnh phía Nam chuyển sang nắng nóng gay gắt; đồng thời các hoạt động cúng bái, lễ hội có sử dụng lửa, chất dễ cháy đã khiến nguy cơ cháy nổ càng trở nên cao hơn. Chính vì thế, khâu phòng cháy hiện cần phải được ưu tiên hàng đầu, đồng thời phải được triển khai sâu rộng với tinh thần đặt sự an toàn tính mạng của người dân lên trên hết.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cháy, nổ là do ý thức chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn trong sử dụng điện, trong sinh hoạt… của người dân, tổ chức, doanh nghiệp chưa cao. Do đó, để ngăn ngừa tối đa các sự cố cũng như chủ động trong phòng cháy, chữa cháy thì vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, nơi sản xuất, kinh doanh là rất quan trọng. Đặc biệt, mỗi người dân cũng cần nêu cao tinh thần chủ động, ý thức trách nhiệm trong phòng, chống cháy nổ; đồng thời phải trang bị cho mình những kiến thức về an toàn phòng cháy, kỹ năng sử dụng các thiết bị chữa cháy và xử lý, thoát hiểm khi có cháy nổ xảy ra.
Ngoài ra, để công tác phòng cháy và chữa cháy hiệu quả, việc vận dụng “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) là rất cần thiết. Trong đó, kỹ năng chữa cháy, phương tiện chữa cháy, con người “4 tại chỗ” phải được tổ chức bài bản; phải được tập huấn, thực hành tình huống cụ thể để khi “có động” là triển khai được ngay. Bên cạnh đó, các phường, xã, thị trấn cần tiếp tục “phổ cập” và lan toả những mô hình hay như "Khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”... để mỗi người dân là một chiến sĩ phòng cháy chữa cháy. Thực tế cho thấy, nếu vụ cháy được nhân dân phát hiện và cứu chữa kịp thời sẽ ít thiệt hại và ngược lại, có thể sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng. Chỉ cần thêm một người hiểu biết về phòng cháy chữa cháy thì sẽ bớt đi thảm họa và thiệt hại do cháy, nổ gây ra; từ đó nâng cao ý thức, góp phần xây dựng quần chúng nhân dân đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy tại cơ sở.
Đại hội XIII của Đảng xác định "chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân"; đồng thời, quan điểm chỉ đạo rõ ràng của Đảng, Nhà nước về phòng cháy chữa cháy tại Chỉ thị 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương đổi mới tư duy, nhận thức phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phù hợp với yêu cầu tình hình mới hiện nay; xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, cần thiết, hằng ngày.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm của mình trong quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy và để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiệm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội. Nếu mỗi người dân đều có ý thức thì những thiệt hại do cháy nổ sẽ giảm rất nhiều. Do vậy, để công tác phòng ngừa cháy, nổ đạt hiệu quả, cần phải tạo được chuyển biến về nhận thức và hành động của các đối tượng liên quan, nhất là từ cá nhân, các hộ gia đình và cơ quan quản lý về phòng cháy, chữa cháy.