Phát biểu trong một cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19 là luôn công khai, minh bạch tình hình dịch bệnh để người dân trong nước và thế giới được biết. Đó cũng là lý do vì sao người dân đã đặt trọn niềm tin vào sự chỉ đạo của Chính phủ, tự giác thực hiện tốt các khuyến cáo trong phòng, chống và ngăn chặn dịch.
Xuất phát từ quan điểm phải công khai, minh bạch, đồng thời cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nắm thông tin trung thực từ mỗi người dân trong phòng chống dịch, Chính phủ đã vận động người dân cần khai báo y tế tự nguyện (bắt đầu từ ngày 10/3) để lấy đó làm cơ sở đưa ra những quyết định và hành động kịp thời nhằm ngăn chặn dịch ngay từ mầm mống.
Có thể hiểu, đó là việc làm rất nhỏ đối với mỗi cá nhân, nhưng mang lại giá trị to lớn cho toàn cộng đồng. Do vậy, cần phải xác định việc tự nguyện khai báo sức khỏe vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của mỗi người dân. Việc thông tin sớm, sẽ giúp người nhiễm được chẩn đoán bệnh sớm, cách ly sớm và dịch bệnh sẽ không có cơ hội bùng phát và gây hậu họa cho cộng đồng. Trong nỗ lực chung của toàn bộ hệ thống chính trị, chỉ một công dân thiếu sự hợp tác sẽ gây họa khó lường. Bài học từ nhiều quốc gia trên thế giới từ thời điểm xảy ra dịch COVID-19 cho thấy, mỗi người dân cần phải đề cao trách nhiệm với chính mình và với cộng đồng. Nếu không, mọi nỗ lực không biết mệt mỏi của hàng ngàn y bác sỹ tuyến đầu, sự cố gắng của Chính phủ, của quân đội, các bộ, ngành, địa phương đều có thể đổ xuống sông xuống biển.
Có thể nói, Việt Nam đang kiểm soát khá tốt dịch bệnh. Nhưng như vậy không có nghĩa chúng ta được phép lơ là, chủ quan, khi số người dương tính với virus SAR-CoV-2 mới tiếp tục gia tăng từng ngày. Vậy phải làm thế nào để đóng góp một phần công sức của mình vào cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19? Đây là câu hỏi đồng thời cũng là việc cần làm tức thì của mỗi người dân lúc này. Trước hết, mỗi người dân phải có trách nhiệm thông báo và khai báo với chính quyền, cơ quan chức năng về thông tin cá nhân, tình trạng sức khoẻ, đặc biệt là khả năng tiếp xúc với các nguồn có khả năng lây nhiễm bệnh. Những thông tin cụ thể về tình hình sức khỏe của mỗi cá nhân sẽ giúp các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn đưa ra các quyết định chính xác và việc làm kịp thời để ngăn chặn dịch bệnh.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nhiều ngày qua đăng tải rất nhiều câu chuyện hoặc những chỉ trích về thái độ coi thường, giấu thông tin về dịch bệnh của một vài cá nhân ở trong và ngoài nước khiến dư luận bức xúc.
Báo chí Italia đồng loạt đăng tải chuyện bệnh nhân đầu tiên không được kiểm tra, cũng không bị cách ly, là mầm mống gây dịch COVID-19 ở đất nước mang hình chiếc ủng. Kết quả, Chính phủ Italia đã phải ban bố tình trạng phong tỏa toàn quốc khi số người chết vì dịch COVID-19 xấp xỉ con số 500. Rồi câu chuyện xảy ra ở Pháp, khi một thanh niên đi du lịch ở Italia, khi trở về thấy không bị cơ quan chức năng kiểm tra, người thanh niên này tiếp tục sử dụng phương tiên công cộng để đến nhiều nơi ở nước Pháp. Hậu quả, người thanh niên đó đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và nhiều người khác đã phải gánh hậu quả khi tiếp xúc với người thanh niên này.
Còn ở Việt Nam, đáng phê phán là trường hợp bệnh nhân thứ 17 nhiễm SARS-CoV-2 trở về Việt Nam trên chuyến bay VN0054 đã không khai báo trung thực với cơ quan chức năng về lịch sử đi lại và tình trạng sức khỏe của mình: Từ Anh sang Italia rồi trở lại Anh trước khi về Việt Nam. Chỉ đến khi bệnh nhân này đến cơ sở khám chữa bệnh thì mới phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2.
Những câu chuyện vừa nêu đã cho thấy, chỉ vì hành động thiếu trung thực trong khai báo y tế, chỉ nghĩ tới quyền lợi bản thân mà gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Những nỗ lực lớn của cả một hệ thống bị ảnh hưởng, thậm chí bị hủy hoại chỉ vì sự vô ý thức của một hoặc vài cá nhân.
Rõ ràng, việc một số cá nhân đi từ vùng dịch về không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực là hành vi cần phải lên án.
Hy vọng, mỗi người Việt Nam hãy thể hiện trách nhiệm công dân của mình bằng những việc làm thiết thực trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, trước hết hãy thể hiện bằng việc tự nguyện khai báo sức khỏe y tế. Việc làm đó không chỉ giúp các cơ quan chức năng đưa ra các giải pháp phòng chống dịch có hiệu quả, mà đó còn là hành động để bảo vệ chính mình, bảo vệ gia đình và cộng đồng. Hơn thế, việc khai báo y tế tự nguyện một cách trung thực chính là hành động yêu nước của mỗi người Việt Nam lúc này.