Chặn đứng lãng phí tài sản công

Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ rằng lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, đã và đang gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho phát triển. Trong lãng phí thì lãng phí tài sản công đang là vấn đề nhức nhối, rất được dư luận quan tâm, cần xử lý rốt ráo, triệt để.

Bài 1: Muôn hình vạn trạng lãng phí tài sản công

Theo khoản 1, Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, tài sản Nhà nước (tài sản công - TSC) là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: TSC phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; TSC tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác. Như vậy có thể nói TSC là nguồn lực nội sinh của đất nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, nâng cao vị thế quốc gia trong quan hệ quốc tế. Trên thực tế, TSC đã góp phần quan trọng vào quá trình sản xuất cũng như quản lý xã hội, cung cấp tài chính cho đầu tư phát triển, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý và sử dụng TSC, tình trạng lãng phí diễn ra khá phổ phiến, dưới nhiều dạng thức khác nhau. Điển hình là:

Chú thích ảnh
Phiên đấu giá đất ngày 10/8/2024 tại huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ảnh minh họa: Mạnh Khánh/TTXVN

Thứ nhất, lãng phí TSC do chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới. Việc này có thể nhìn thấy từ hàng loạt vụ đấu giá đất gần đây, nổi bật là ở Thanh Oai (Hà Nội). Cơ quan chức năng đã phải thẩm định 4.600 hồ sơ với hơn 1.000 cá nhân tham gia đấu giá lô đất. Kết quả tổng số tiền huyện Thanh Oai dự kiến thu được từ phiên đấu giá quyền sử dụng đất hôm 10/8 là 404,6 tỷ đồng, chênh lệch giá khởi điểm 349 tỷ đồng (gấp khoảng 8 lần). Nhưng trên thực tế chỉ có chủ của 13 lô đất nộp tiền đúng hạn và huyện Thanh Oai chỉ thu được khoảng 60 tỷ đồng. Nguyên nhân là do, theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá chỉ phải nộp tối đa 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá trong khi giá khởi điểm đưa ra thấp, cho nên, khi không đạt kỳ vọng, nhiều người sẵn sàng bỏ cọc, nhất là những ai tham gia đấu giá không phải vì nhu cầu ở thực. Bên cạnh đó là Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định thời gian hoàn thành nghĩa vụ nộp 100% tiền sử dụng đất quá dài (chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày thông báo nộp tiền sử dụng đất) vô tình giúp những kẻ đầu cơ có thêm thời gian “thoát hàng”.

Thứ hai, lãng phí TSC do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả. Thông tin Bộ Tài chính đưa ra tại Quốc hội ngày 6/11/2023 cho thấy đa số TSC sau khi sắp xếp thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh. Với số này, hiện đã xử lý được 90% TSC, còn 10% tương đương gần 1.000 TSC chưa được xử lý, trong đó khoảng 500 TSC “bỏ không, tạo nên sự lãng phí”. Có những TSC được đầu tư cả trăm tỷ đồng, nhưng giờ biến thành kho chứa hàng cho doanh nghiệp như Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế Hải Phòng với biệt danh “nhà cánh diều”…

Chú thích ảnh
Cảnh hoang hóa, cỏ dại mọc cao ngút tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Thứ ba, lãng phí TSC do chậm giải ngân vốn đầu tư công. Ngày 8/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Công điện nêu rõ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,%), chưa đáp ứng kỳ vọng đặt ra. Điều đó có nghĩa chúng ta có tiền, nhưng không tiêu được, gây lãng phí nguồn lực và làm chậm tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước. Thực tế này không chỉ diễn ra trong năm nay mà còn có từ nhiều năm trước. Ví dụ điển hình là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 ở Phủ Lý (Hà Nam). Hai dự án này được khởi công từ năm 2015 với vốn đầu tư là 9.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Nhưng tới tháng 7/2024, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 mới giải ngân được 2.575/4.500 tỷ đồng và con số này đối với Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 là 2.507/4.500 tỷ đồng. Đến nay, cả hai bệnh viện này mới chỉ đưa vào sử dụng một phần nhỏ diện tích trong khi phần lớn vẫn bỏ không và có dấu hiệu xuống cấp.

Thư tư, lãng phí TSC trong quá trình cổ phần hoá, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước… Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, thúc đẩy đổi mới, phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí. Đơn cử, trong kết luận thanh tra số 1229/KL-TTCP ngày 30/5/2023 về việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, qua thanh tra về xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa tại 10 công ty mẹ - tổng công ty, vi phạm về tài chính phải tiếp tục xử lý với số tiền (tạm tính) là hơn 5.690 tỷ đồng. Các doanh nghiệp như Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Licogi (Licogi), Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen) khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đã tính toán giá trị lợi thế thương mại, chi phí cơ hội chưa đầy đủ, chính xác, với tổng số tiền thiếu khoảng 1.879 tỷ đồng...

Chú thích ảnh
Công việc khai thác quặng tại mỏ vàng Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Dân trí.

Thứ năm, lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Tài nguyên thiên nhiên, nhất là đất đai, khoáng sản và nguồn nước… là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất. Việc nêu cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nhiên nhiên sẽ góp phần tăng thêm nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đã có nhiều vụ việc thất thoát, lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Đơn cử huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) được xem là “thủ phủ vàng” của cả nước, nhưng sản lượng khai thác thường khác xa so với kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng ban đầu. Đằng sau sự chênh lệch này phải chăng chính là thất thoát lớn.

Nói tóm lại, TSC là nguồn lực cần phải quý trọng. Để TSC không rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”, cần phải chỉ rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này cũng như đề ra các giải pháp xử lý rốt ráo, triệt để, trong đó đặc biệt lưu ý tới trách nhiệm người đứng đầu để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.

Hà Ngọc/Báo Tin tức
Chống lãng phí: Xem xét trách nhiệm về những dự án bỏ hoang
Chống lãng phí: Xem xét trách nhiệm về những dự án bỏ hoang

Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhằm khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đã nêu ra 4 giải pháp rất rõ ràng, quyết tâm phòng, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN