Nhưng chỉ trong vài ngày sau đó, “cơn điên” mang tên Bitcoin đã thổi giá trị của nó lên tới 18.000 USD! Bitcoin trở thành bong bóng tài chính lớn nhất trong lịch sử, vượt qua cả “cơn điên” hoa tulip tại Hà Lan đầu thế kỷ 16, khi giá chỉ một bông hoa vượt qua thu nhập trung bình cả năm của một người thợ lành nghề.
Xuất hiện từ năm 2009, Bitcoin không phải loại tiền kỹ thuật số đầu tiên trên thị trường, nhưng nó chắc chắn là loại gây xôn xao nhất. Không giống tiền thật, tiền kĩ thuật số không được phát hành hay đảm bảo bởi một ngân hàng trung ương, do vậy nó nằm ngoài phạm vi kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Nhìn từ góc độ tiền tệ thì một đồng tiền phải có 3 chức năng chính: cất giữ giá trị, phương tiện thanh toán và thước đo giá trị. Nhưng với độ biến động quá lớn (mất tới 20% giá trị chỉ trong vài phút hôm 29/11 trước khi bật tăng trở lại), Bitcoin khó có thể được coi là nơi cất giữ giá trị hay một phương tiện thanh toán ổn định. Với chức năng là một thước đo giá trị thì Bitcoin cũng không thể đảm bảo. Nếu bạn đi vay thế chấp bằng Bitcoin để mua nhà, thì chỉ trong năm nay khoản nợ của bạn đã tăng gấp 10 lần.
Một vấn đề khác gây lo ngại là phương thức giao dịch được ghi dữ liệu của bitcoin. Để dõi theo mọi giao dịch mà không qua một thể chế tài chính thực nào (như ngân hàng hay các quỹ chính phủ), Bitcoin tính phí giao dịch rất cao và sẽ mất tới vài ngày để xử lý một yêu cầu từ người dùng, mà lẽ ra phải được xử lý lập tức. Mỗi giao dịch cần phải được xác thực bởi “thợ mỏ” – những người cần đến các siêu máy tính ngốn điện khủng khiếp để “đào” Bitcoin. Một tính toán cho thấy, hiện nay mỗi giao dịch Bitcoin ngốn tới 275 kWh và mỗi năm mạng lưới Bitcoin sử dụng lượng điện đủ để cấp điện cho 2,8 triệu hộ gia đình Mỹ.
Và tất nhiên, nguy cơ bị tấn công mạng là rất rõ ràng. Hồi đầu tháng 8/2016, Bitfinex - một trong những sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới - đã phải ngừng toàn bộ giao dịch để kiểm tra lại hệ thống sau sự cố bị hacker tấn công và lấy đi 119.756 Bitcoin (tương đương hơn 65 triệu USD). Đầu năm 2015, một sàn giao dịch khá nổi tiếng là Bitstamp, cũng thông báo đã bị hack 19.000 Bitcoin, trị giá khoảng 5 triệu USD.
Khó có thể nghĩ rằng các nhà đầu tư đang đổ xô vào Bitcoin đã suy nghĩ thấu đáo về tất cả những điểm bất ổn của đồng tiền ảo này. “Cơn sốt” Bitcoin thậm chí còn trở nên nóng hơn sau khi đồng tiền ảo chính thức được 3 sàn giao dịch hàng hoá tương lai lớn của Mỹ và thế giới chấp nhận. Gọi đây là một “cơn điên” cũng không quá, khi ngay cả một anh thợ cắt tóc ở Mỹ, không hay biết blockchain là gì, cũng dốc tiền tiết kiệm mua tiền ảo. Trong cơn lốc Bitcoin, nhiều người chơi đã bất chấp một sự thật là khi giá của bất cứ thứ gì dao động tới 20-30% mỗi ngày thì họ có thể mất sạch tiền rất nhanh chóng.
Đó là chưa kể giá trị đằng sau Bitcoin là công nghệ blockchain (chuỗi khối), có thể dễ dàng được ứng dụng dưới dạng những đồng tiền kỹ thuật số khác, chắc chắn sẽ được xây dựng tốt hơn, dễ sử dụng hơn (mà đồng tiền ảo Litecoin mới ra đời là một ví dụ). Ngân hàng Trung ương Đức (Deutsche Bank) mới đây đã xếp “sự sụp đổ của Bitcoin” vào danh sách những rủi ro lớn nhất đối với thị trường trong năm 2018.
Tại Việt Nam, sự tồn tại của tiền kỹ thuật số không được Nhà nước công nhận, do đó người dùng sẽ không được pháp luật bảo vệ. Hàng nghìn máy “đào” Bitcoin đang được nhập về Việt Nam, cho thấy cơn sốt sẽ còn tiếp tục bùng nổ bất chấp nhiều cảnh báo đã được đưa ra. Dù là “đào” tiền từ hệ thống, “lướt sóng” mua đi bán lại tiền ảo trên thị trường, hay “ôm coin đường dài”, thì người chơi vẫn phải đánh đổi tiền thật cho đồng tiền ảo nhiều bất định. Chơi Bitcoin vì thế chỉ nên được coi như một ván bạc nhiều rủi ro, chứ không thể là một lĩnh vực đầu tư.