Trong văn bản do Văn phòng Chính phủ phát đi, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý của việc Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ phạt người đổi 100 USD ở tiệm vàng và có kiến nghị cần thiết, phù hợp; báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/10.
Trước đó, bên lề Quốc hội, khi trao đổi với phóng viên báo chí, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: Đã giao cho Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cơ quan phía Nam tiếp cận, kiểm tra hồ sơ của vụ việc; từ đó tư vấn cho UBND thành phố Cần Thơ hướng xử lý phù hợp.
Đã có sự vào cuộc của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, vụ việc chắc chắn sẽ sớm có câu trả lời cuối cùng, là liệu người công nhân này có phải chịu mức phạt gấp lên tới gần 40 lần số tiền ông đem đổi hay không?
Tuy nhiên, điều đáng bàn là, việc xử phạt ông Nguyễn Cà Rê, nếu xét theo pháp luật, thì UBND thành phố Cần Thơ làm không sai, chỉ là khi áp dụng vào thực tế thì lại trở nên bất cập.
Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 quy định, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng hoặc thanh toán qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý. Và theo Nghị định 96/2014, những hành vi vi phạm Pháp lệnh bị xử theo khung xử phạt hành chính với số tiền 80-100 triệu đồng.
Như vậy, ông Rê đã vi phạm việc mua, bán ngoại tệ tại nơi không được thu đổi ngoại tệ và bị phạt theo quy định. Mức tiền phạt cũng mới chỉ nằm ở giữa, không phải mức thấp nhất, nhưng cũng chưa phải mức cao nhất.
Về “lý” là thế, nhưng về “lẽ” thì rõ ràng, việc xử phạt hành vi đổi 100 USD của người tiêu dùng với mức phạt gần kịch trần, gấp 40 lần như đã nói ở trên, là không hợp lý, gây một độ sốc “không hề nhẹ” trong xã hội những ngày qua và khiến nghị trường Quốc hội cũng phải nóng theo.
Một đại biểu chia sẻ, vụ việc này là một điển hình về “thiếu trong quy định, yếu trong áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý nhà nước, làm dư luận không đồng tình”. Cũng theo đại biểu này, sự tồn tại của những nơi đổi ngoại tệ bất hợp pháp còn rất nhiều, trước hết đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Đúng như chia sẻ của đại biểu này, cũng là tâm tư của rất đông người dân trên các mạng xã hội, vụ việc cho thấy một “lỗ hổng” lớn trong quy định pháp luật hiện hành; cũng là sự “chậm trễ” của các cơ quan chức năng với việc sửa đổi những quy định không còn phù hợp với thực tế.
Một bạn đọc chia sẻ: “Bi hài ở chỗ tội trộm cắp cũng còn định giá tài sản để đưa ra mức xử phạt. Còn đổi ngoại tệ, dù là tài sản của mình, nhưng chỉ cần có hành vi, thì đổi 1 USD hay đổi 1 triệu USD, 1 tỷ USD; cũng chịu mức phạt như nhau”. Vậy có khác gì việc “con voi cũng lọt, con kiến cũng qua”?
Ngay khi vụ việc xảy ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đang có kế hoạch sửa đổi Nghị định 96/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng theo hướng phân loại mức vi phạm.
Có nghĩa là bản thân cơ quan quản lý này đã thấy được sự bất cập trong quy định của mình; thấy sự không phù hợp trong một điều kiện, bối cảnh mới; khi sự hội nhập, khi “thế giới phẳng” đã khiến những đồng ngoại tệ ngày càng phổ biến hơn trong tiêu dùng, sinh hoạt của người dân. Có cầu ắt có cung, và con số 580 đại lý được phép thu đổi ngoại tệ trên toàn quốc không phải con số lớn, cũng không phải thông tin quá “phổ biến” để người dân nắm bắt được. Có lẽ, với nhiều người, đến thời điểm vụ việc này bung ra, mới biết có quy định về điểm được phép thu đổi ngoại tệ và mới biết đến quy định về việc xử phạt khi giao dịch ngoại tệ không đúng nơi, đúng điểm này. Chính vì vậy, việc người dân tìm đến những điểm mua, bán ngoại tệ không hợp pháp là điều khó tránh khỏi.
Chưa kể, với việc quản lý còn lỏng lẻo hiện nay, hệ thống điểm mua bán ngoại tệ bất hợp pháp, mà ta quen gọi là “chợ đen”, vẫn đang diễn ra khá phổ biến, trong khi công tác quản lý nhà nước vẫn chưa làm tốt để dẹp được.
Dẹp chưa được, nên dẫn tới người dân “vấp”, vi phạm, và phải chịu mức xử phạt “ trên trời”. Phải chăng là một dây chuỗi những sai sót liên hoàn, có “nhân có quả” với nhau; mà nguyên nhân cuối cùng chính là sự bất cập trong quản lý, trong quy định pháp luật.
Đã đến lúc, những quy định phải thực sự là quy định, siết cho chặt, giúp xã hội đúng là xã hội “pháp trị”, giúp cuộc sống của người dân dẫu có tự do đầy đủ nhưng vẫn trong khuôn khổ pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Chứ không nên là những quy định, khi biết đến chỉ khiến cơ quan chức năng thêm một lần thành “dở khóc, dở cười” với phản ứng của xã hội. Dù so sánh thế này có phần hơi khiên cưỡng, nhưng vụ việc vẫn khiến người ta liên tưởng tới việc cấm ngực lép không được lái xe, hay cộng điểm ưu tiên cho Mẹ Việt Nam Anh hùng khi thi tốt nghiệp, thi đại học…
Luật là phải nghiêm. Luật là phải mang tính luật pháp chặt chẽ nhất. Có như vậy, luật mới thật sự là luật, mới khiến người dân tin và chấp hành theo.