Trong vụ “xe điên” hôm 13/11 vừa rồi tại đường Nguyễn Hữu Thọ (phường Tân Hưng, quận 7) khiến một người thiệt mạng và bốn người khác bị thương, tài xế khai báo là do đạp nhầm chân ga.
Lại là “nhầm chân ga”, lại là “xe điên”. Không hiểu từ khi nào từ “xe điên” đã trở thành một khái niệm quen thuộc, khiến người đọc không còn thấy lạ lẫm, tò mò với những cái tít giật gân trên báo chí nữa. Cảm xúc của họ chuyển sang lo lắng bất an, bởi tai họa có thể đổ xuống đầu bất cứ lúc nào khi tham gia giao thông.
Đọc lại một số vụ tai nạn điển hình về “xe điên” thời gian gần đây, sự cố về xe thì ít mà sự cố về con người thì nhiều. Trong vụ ngày 13/11 kể trên, tài xế Hoàng khai rằng khi đang chạy trên đường thì va chạm với một xe máy. Trong lúc hoảng hốt, Hoàng đạp nhầm chân ga khiến chiếc xe vọt đi, cuốn nhiều xe máy vào gầm.
Vụ ngày 25/7, ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, một chiếc ô tô con bất ngờ lao thẳng vào nhà dân, đâm đổ tường, khiến 1 người tử vong và 1 người khác bị thương nặng. Nguyên nhân ban đầu được xác định do lái xe đạp nhầm chân ga với chân phanh, gây tai nạn.
Trước đó chừng 3 tháng, ở trung tâm Quận 1, TP Hồ Chí Minh, một chiếc ô tô lao vào hàng loạt xe máy đang dừng chờ đèn đỏ, khiến 2 người tử vong và 5 người bị thương. Lý do tài xế khai lại là đạp nhầm chân ga.
Vân vân và vân vân...
Dĩ nhiên một vật vô tri vô giác như cái xe ô tô thì không thể phát “điên” được. Nó không có tiềm thức, không có ý thức. Chỉ là người điều khiển nó không kiểm soát được hành động vào một thời điểm nào đó, và tai nạn thương tâm xảy ra với bao con người vô tội.
Lái xe là công việc liên quan nhiều đến kỹ năng hơn là kiến thức. Để tránh rơi vào tình trạng mất kiểm soát, người lái xe buộc phải có kỹ năng điều khiển xe thuần thục. Để có kỹ năng thuần thục thì không còn cách nào khác ngoài tập luyện. Giống như “tổng số giờ bay an toàn” của phi công, tài xế xe ô tô cũng phải tập đủ số giờ nhất định, phải đi thử ở những con đường vắng đủ số giờ nhất định trước khi tham gia giao thông trên phố đông người hoặc đường cao tốc.
Đáng tiếc là thực tế đào tạo lái xe của ta không diễn ra theo cách này. Tôi có may mắn được học và thi lấy bằng lái xe ô tô cả ở trong nước và nước ngoài. Ở ta, các quy định thì rất chặt chẽ và đầy đủ, nhưng người học thường tìm cách rút ngắn thời gian thực hành. Rồi “mua thầy”, rồi “bao xe”… Còn ở họ, để được cấp bằng, người thi phải lái thực tế trên các loại hình đường sá khác nhau theo yêu cầu của sát hạch viên ngồi bên. Họ kiểm tra từ động tác nhỏ nhất như chỉnh chỉnh gương, chỉnh ghế ngồi trước khi lên xe, tới các thao tác khó như quay xe trên đường hẹp, đi vào vòng xuyến.
Quan trọng nhất, thí sinh phải tạo cho sát hạch viên “cảm giác an toàn” khi tham gia giao thông, cho xe mình và cho các xe khác, trong từng thao tác điều khiển xe. Muốn vậy, thao tác phải được ra lệnh bởi tiềm thức – cái chỉ có được khi đã tập luyện đủ để trở thành phản xạ. Thiếu “cảm giác an toàn”, dù có nắm vững các nguyên tắc điều khiển xe đến mấy, thí sinh cũng bị đánh trượt.
Kinh tế phát triển nhanh, xe ô tô xuất hiện trên đường ngày càng nhiều. Từ xe đạp sang xe máy là một chuyện, từ xe máy sang ô tô là một câu chuyện khác. Không như xe đạp, xe máy, tai nạn do ô tô gây ra thường dẫn đến hậu quả và hệ lụy xã hội cho nhiều người khác. Nhận thức của người ngồi sau vô lăng, vì vậy, cũng cần bắt kịp với sự chuyển đổi về phương tiện.