Chuyến thăm Mỹ chính thức từ ngày 14 - 16/2 của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được dư luận hai nước và truyền thông thế giới đặc biệt chú ý. Không đơn thuần là sự đáp lễ chuyến thăm Trung Quốc của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden năm 2011, chuyến công du lần này được cả hai phía nhìn nhận như một sự đầu tư vào tương lai.
Có thể thấy cơ hội “hâm nóng” mối quan hệ song phương đang đến. Trong chuyến công du chính thức đầu tiên đến Mỹ, ông Tập Cận Bình đã được đón tiếp như nguyên thủ quốc gia. Trước chuyến thăm, Nhà Trắng đã tuyên bố không úp mở rằng chuyến công du là sự đầu tư cho tương lai của mối quan hệ Mỹ - Trung. Về phía Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đã dùng chuyến đi này để làm “công tác hòa bình” với Mỹ, dọn đường cho quan hệ song phương “bước vào thời kỳ mới”.
Khi chuyến thăm này diễn ra, Oasinhtơn và Bắc Kinh đang phải đối mặt với sự “thâm hụt niềm tin”. Mới đây, Trung Quốc đã dùng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ để bác bỏ dự thảo nghị quyết về Xyri được Mỹ hậu thuẫn. Trên lĩnh vực kinh tế, hai nước thường xuyên hiềm khích do những bất đồng sâu sắc trong các vấn đề thương mại và tiền tệ. Về an ninh, Mỹ được coi là luôn dè chừng sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, trong khi ngược lại, Bắc Kinh bày tỏ lo ngại trước việc Mỹ chuyển trọng tâm và ưu tiên chính sách sang châu Á - Thái Bình Dương. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải, một thực tế rõ ràng là mức độ thiếu hụt niềm tin giữa Mỹ và Trung Quốc quá lớn so với những gì cần thiết cho việc mở rộng quan hệ hợp tác song phương. Đó cũng là lý do hai bên đặt cược vào chuyến thăm của ông Tập Cận Bình để quan hệ hai nước có thể được đẩy đến trước ngưỡng cửa mới của tinh thần hợp tác và tin cậy lẫn nhau.
Tuy nhiên, khác biệt vẫn là quá lớn để có thể nói rằng chuyến thăm sẽ tạo bước đột phá. Hiện tại thì chưa thể thay đổi điều gì trong quan hệ song phương, nhưng với việc lãnh đạo hai nước đã thực sự ngồi lại với nhau và thảo luận về những lợi ích và khác biệt, hai nước có thể hy vọng vào cuộc đầu tư này.
Nguyệt Ánh