Qua Hội nghị sơ kết hoạt động của các tập đoàn nhà nước ngày 9/12/2011 cho thấy, tổng đầu tư ngoài ngành của 11 tập đoàn hiện lên đến hơn 19.500 tỷ đồng. Trong đó các đơn vị đầu tư ngoài ngành lớn như Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư 3.848 tỷ đồng, Tập đoàn điện lực Việt Nam đầu tư hơn 2.107 tỷ đồng…Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đầu tư ngoài ngành không mang lại hiệu quả, thậm chí thua lỗ, gây hệ lụy cho phát triển chung của tập đoàn.
Trong nhiều năm qua, nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước đã đầu tư vào những ngành không phải là sở trường nên vừa không phát huy được thế mạnh lại vừa không tạo được vị thế chủ lực, đầu tàu của một tập đoàn kinh tế nhà nước đối với nền kinh tế. Lấy ví dụ từ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, một đơn vị có số vốn đầu tư hàng đầu ra ngoài ngành, ta sẽ thấy những hệ luỵ của nó.
Cách nay vài năm, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã đầu tư xây dựng con đường từ Bình Dương lên Bình Phước. Khi đường vừa làm xong đưa vào hoạt động, còn chưa qua giai đoạn bảo hành, thì mặt đường đã xuất hiện hàng loạt ổ voi, nhiều đoạn bị bong tróc khiến người dân la trời về chất lượng con đường quá kém. Ngoài ra cũng còn nhiều công trình thuỷ điện, khách sạn cũng là những hạng mục đầu tư của tập đoàn này. Trong khi đó, đến nay Tập đoàn Công nghiệp Cao su vẫn chưa có một nhà máy công nghiệp cao su hiện đại và xứng tầm với sản lượng cao su của cả nước để sản xuất ra các sản phẩm cao su công nghiệp chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển chung của nền kinh tế và tăng giá trị gia tăng của cây cao su. Thay vào đó, vẫn chỉ là xuất khẩu mủ cao su sơ chế và hệ quả tất yếu là các sản phẩm cao su công nghiệp kỹ thuật cao như săm, lốp xe… vẫn phải nhập khẩu. Hệ quả tất yếu là tập đoàn không có các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Việc xuất khẩu nguyên liệu thô cũng là một sự lãng phí.
Khi đó nhiều ý kiến từ các cơ quan của tỉnh Bình Dương đều thống nhất rằng, nếu đầu tư cho nhà máy chế tạo sản phẩm cao su công nghiệp thì là thế mạnh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, nhưng làm đường giao thông thì chỉ là nghề tay trái; nhưng vì sao tập đoàn này vẫn cứ đầu tư làm đường mà không xây dựng nhà máy công nghiệp cao su hiện đại?
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, luật không cấm các tập đoàn kinh doanh ngoài ngành; và không ít các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn có chiến lược phát triển thành một tập đoàn sản xuất kinh doanh đa ngành theo kiểu các chaebol một thời hùng mạnh nhưng đã lâm vào khủng hoảng ở Hàn Quốc. Theo trào lưu đó, hàng loạt các ngân hàng, các công ty bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước đã ra đời. Rõ ràng là việc đầu tư ra ngoài ngành như vậy đã làm phân tán nguồn lực của không ít tập đoàn; đồng thời ảnh hưởng đến chiến lược phát triển bền vững và hiệu quả.
Có thể nói, trong nền kinh tế của đất nước, các tập đoàn kinh tế có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ tạo ra các sản phẩm mang tầm thương hiệu quốc gia và quốc tế mà còn góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và đặc biệt là đảm bảo an sinh xã hội. Một khi đầu tư ra ngoài ngành tất sẽ dẫn đến đầu tư phân tán ảnh hưởng đến vai trò chủ lực của một tập đoàn kinh tế.
Do đó, việc các tập đoàn phải tái cơ cấu theo hướng tập trung vào ngành nghề chính là một chủ trương cần thiết và đúng đắn. Chỉ có như vậy, các tập đoàn kinh tế mới có khả năng thực hiện được vai trò đầu tàu, chủ lực trong nền kinh tế quốc dân. Khi đã tái cơ cấu theo hướng này, các tập đoàn kinh tế sẽ tập trung nguồn lực làm ra các sản phẩm chủ lực xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của mình; và như vậy, đất nước sẽ có các sản phẩm “Made in Vietnam” đủ sức đứng vững và làm chủ thị trường trong nước; đồng thời có sức mạnh cạnh tranh trên thị trường thế giới, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, vừa góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Nguyễn Quang Vinh