Dạy trẻ

Mấy ngày qua, nhiều tờ báo đưa tin (kèm cả video clip), một học sinh lớp 7 ở trường THCS xã Thuận Thiên (Kiến Thụy, Hải Phòng) do trốn học đi chơi điện tử, đã bị bố đánh, lột quần áo và trói vào cột điện dưới cái lạnh 15 độ C. Điều kỳ lạ là, hàng xóm và người dân đi qua dường như vô cảm, không can ngăn hay giúp đỡ cháu. Phải đến khi một đội thanh tra giao thông tuần tra phát hiện cháu bé bị trói, kêu khóc thảm thiết, sự việc mới được ngăn chặn. Theo lý giải của người bố đứa trẻ, làm như vậy là để “giáo dục, răn đe, dọa...” cho con ông xấu hổ với mọi người, bạn bè để không dám bỏ học đi chơi điện tử nữa!


Một vụ việc khác liên quan đến bạo hành trẻ em cũng vừa diễn ra ở Sóc Trăng. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, rất nhiều học sinh ở một lớp học thuộc trường THCS xã Trung Bình (Trần Đề, Sóc Trăng) đã bỏ học vì bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Lớp có 33 học sinh thì có tới 32 em bị cô giáo đánh, lỗi nhẹ 2 roi, lỗi nặng 10 roi. Lý do đánh học sinh theo như giải thích của cô chủ nhiệm: Đi học trễ, xếp hàng không thẳng, nói chuyện trong giờ học...


Xã hội đang giật mình và phẫn uất khi xem những hình ảnh, đoạn phim ghi lại những thương tật của không ít trẻ do chính bàn tay của cha mẹ đẻ. Chính sự thiếu hiểu biết và sự lạm dụng quyền làm bố mẹ của người lớn đã gây tổn hại đến con trẻ. Từ quan niệm để trẻ xấu hổ, sợ hãi thì trẻ sẽ không lặp lại sai phạm, hay “phải đánh mới nên người”, nhiều bậc cha mẹ đã chọn biện pháp trừng phạt nhằm răn đe trẻ. Nhưng vô hình trung, hành động dạy con kiểu như vậy đã đẩy con trẻ vào những cực hình, tổn thương về tâm lý và nó sẽ ám ảnh các em suốt cuộc đời.


Đúng là đứa trẻ ở Kiến Thụy (Hải Phòng) có lỗi khi nói dối bố mẹ, lấy tiền đi chơi game, nhưng hành động của ông bố đứa trẻ còn sai, có lỗi hơn gấp nhiều lần, nếu chưa muốn nói đó là hành động đó vi phạm pháp luật. Hai năm trước, dư luận cả nước đã hết sức xúc động trước việc em Nguyễn Thị Thúy (13 tuổi), ở thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa (Sóc Sơn, Hà Nội) với thân hình đầy thương tích, một bên tai bị đứt, hàm răng trước cửa bị gẫy gần hết. Đó là vết tích những lần em bị bố đẻ xâu tai, bẻ răng, xích chân tay, dùng nút cao su nhét vào tai. Thúy không nhớ nổi mình đã phải chịu bao nhiêu trận đòn vô cớ, nhất là khi bố say rượu. Mặc dù đau lắm, song em chẳng biết kêu ai.


Lúc đó, dư luận cũng đã lên án gay gắt và cho đó là hành động ngược đãi trẻ em cần được xử lý thích đáng. Ai cũng biết, cha mẹ làm điều gì cũng là vì con. Tuy nhiên, trước mỗi hành động, những bậc làm cha làm mẹ phải suy nghĩ thật thấu đáo. Bởi lẽ, tính cách con trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cha mẹ. Hơn nữa, đối với cháu bé ở Hải Phòng và những đứa trẻ thường xuyên bị cô chủ nhiệm đánh ở Sóc Trăng, chúng đang ở tuổi cần trau dồi kỹ năng sống và hình thành nhân cách. Chính vì vậy, hành động của ông bố ở Hải Phòng và của cô giáo ở Sóc Trăng là "lợi bất cập hại". Có nghĩa là, có thể họ sẽ cai được bệnh nghiện game cho con, hoặc chúng bỏ được thói quen đến lớp muộn, không nói chuyện trong giờ học..., nhưng đã vô tình để lại cho chúng một vết thương tâm lý khó có thể lành.


Theo một chuyên gia tâm lý, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị bạo hành. Trước hết là đội ngũ những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn thiếu về số lượng và hạn chế về kinh nghiệm. Nhận thức của một bộ phận người dân (gồm cả cha mẹ trẻ, các thầy cô giáo, cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở...) còn chưa đầy đủ, khiến hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em chưa được ngăn chặn. Bên cạnh đó, việc xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin về trẻ bị xâm hại, lạm dụng chưa được các cấp chính quyền, đoàn thể quan tâm đúng mức, dẫn tới việc can thiệp, trợ giúp khi trẻ em bị bạo hành, xâm hại không kịp thời...


Trẻ em là đối tượng không có khả năng tự vệ, tâm hồn non nớt, mong manh. Vì vậy, các em rất cần sự gần gũi, một môi trường an toàn trước hết do người thân mang lại. Mỗi gia đình, mỗi cá nhân cần có những hành động thiết thực để chăm sóc, bảo vệ quyền lợi trẻ em, để tuổi thơ, cuộc sống của trẻ em được phát triển trong một môi trường lành mạnh, trong vòng tay nhân ái của gia đình và của cộng đồng. Đó cũng là cơ sở giúp trẻ chủ động học theo cái tốt, tránh xa cái xấu, tự tu dưỡng bản thân, nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng để khi bước vào đời, các em có những niềm tin tốt đẹp ở cuộc sống.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN