Sau một tháng đồng loạt ra quân, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) cả nước đã phát hiện và lập biên bản xử lý gần 315.000 phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, có tới 14.756 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và 160 trường hợp lái xe sử dụng ma túy đã bị phát hiện và xử lý.
Các tỉnh có nhiều người bị xử lý nồng độ cồn là Tây Ninh 1.705 trường hợp; TP. Hồ Chí Minh 1.589 trường hợp; Phú Thọ 915 trường hợp; Đắk Lắk 594 trường hợp; Bến Tre 436 trường hợp...
Số liệu về lái xe vi phạm nồng độ cồn và sử dụng ma túy như trên quả là đáng giật mình. Nếu lấy 14.756 chia đều cho 31 ngày (từ ngày 15/7 đến 14/8), thì trung bình cả nước ngày nào cũng có 476 người có hơi men ở nồng độ vượt mức quy định điều khiển các loại phương tiện cơ giới tham gia giao thông. Cùng lúc đó, ngày nào cũng có 5 người có sử dụng ma túy chạy xe trên đường.
Đợt ra quân cao điểm vừa qua nhằm chủ yếu vào các xe ô tô chở khách, xe container và xe mô tô, vốn được coi là những “nguồn nguy hiểm cao độ” khi tham gia giao thông. Lực lượng CSGT khá mỏng, ngoài việc kiểm tra, xử phạt các lỗi vi phạm an toàn giao thông thì nhiệm vụ chính của họ là đảm bảo trật tự, thông suốt các tuyến đường, tuyến phố cho người dân đi lại. Những con số vi phạm nêu trên chỉ là phát hiện được qua công tác tuần tra kiểm soát. Số lái xe vi phạm về nồng độ cồn và sử dụng ma túy trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Theo các số liệu thống kê chính thức thì nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) ở nước ta hiện nay không phải là do bất cập, thiếu thốn về cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống tín hiệu, biển báo; mà là do ý thức của người tham gia giao thông. Và nếu có sự phân loại về ý thức thì có lẽ việc sử dụng ma túy, rượu bia trước khi cầm lái là ý thức tồi tệ nhất của người tham gia giao thông.
Trên thực tế, rất nhiều vụ tai nạn đường bộ nghiêm trọng trong thời gian qua bắt nguồn trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc người lái xe có hơi men trong người. Điển hình như các vụ tai nạn ở ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TPHCM làm một người chết, 5 người bị thương (tháng 10/2018); vụ chiếc xe Lexus 7 chỗ lao vào nhóm nhân viên làm dịch vụ tang lễ ở Bình Định, làm 4 người chết và 6 người bị thương (tháng 4/2019); vụ tai nạn trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai khi một chiếc xe Fortuner đâm thẳng vào xe khách chạy ở làn đối diện, khiến 12 người nhập viện, trong đó ba người tử vong và ba người khác bị thương nặng (tháng 2/2019). Trong các vụ tai nạn vừa nêu, người lái xe gây ra lỗi khi được kiểm tra đều có nồng độ cồn trong cơ thể vượt quá quy định của pháp luật.
Trước thực trạng nhức nhối này, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các bộ ngành cho dự thảo nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, mức phạt đối với các lái xe vi phạm nồng độ cồn và sử dụng ma túy được tăng mạnh so với dự thảo lần trước, lên tới 40 triệu đồng (hiện nay là 16-18 triệu đồng); kèm theo tước giấy phép lái xe 22-24 tháng (hiện nay là 4-6 tháng). Nhiều ý kiến cho rằng việc này là cần thiết nhằm tăng tính răn đe đối với các hành vi coi thường tính mạng của chính mình và của những người tham gia giao thông.
Chỉ còn vài ngày nữa là lại tới kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Như một điệp khúc, năm nào cũng vậy cứ đến các dịp nghỉ lễ là số vụ TNGT luôn tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Trong 3 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm ngoái, trên cả nước xảy ra 83 vụ TNGT, làm chết 46 người, bị thương 53 người.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an, từ nay đến cuối năm, lực lượng CSGT cả nước sẽ huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tiếp tục xử lý nghiêm các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT. Nhiệm vụ trước mắt của ngành là đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp nghỉ lễ và triển khai “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường”.
Những nỗ lực của ngành CSGT rất đáng được ghi nhận, biểu dương. Nhưng để những cố gắng đó thực sự mang lại hiệu quả, để mọi người dân đều có một kỳ nghỉ an toàn, vui vẻ bên người thân và gia đình, thì yếu tố quyết định nằm ở ý thức của mỗi người khi tham gia giao thông.