Sau những vụ việc chấn động liên qua tới hoạt động phát hành và sử dụng vốn sai mục đích của một số doanh nghiệp bất động sản lớn, và động thái siết tín dụng, thị trường trái phiếu nước ta đứng trước thử thách cam go. Các nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa, phấp phỏng lo lắng cho khoản tiền chưa thu được về, trong khi doanh nghiệp thì xoay tứ phía khó khăn. Hạn thanh toán cận kề, cùng với những thông tin bất thường của các tổ chức phát hành trái phiếu chậm trả nợ gốc, lãi, khiến dự báo về một cơn “sóng thần” càng ngày càng đến gần.
Trong bối cảnh đó, Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/3 đã như “chiếc phao” cứu sinh không chỉ đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà còn với các nhà đầu tư, và với cả thị trường.
Trong các điểm nổi bật của Nghị định 08/2023/NĐ-CP, có nội dung quy định về trái phiếu doanh nghiệp đến hạn có thể được thanh toán bằng tài sản khác như bất động sản hoặc được kéo dài thời hạn đáo hạn trái phiếu. Bên cạnh đó là cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu (nhưng phải đảm bảo một số nguyên tắc quy định). Cùng với đó, Nghị định 08/2023/NĐ-CP cũng ngưng hiệu lực thi hành quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Với những nội dung này, các doanh nghiệp có được quãng thời gian quý báu để tái cấu trúc, tìm cách hồi sinh và củng cố niềm tin của thị trường cũng như của các nhà đầu tư. Đây là căn cứ pháp luật để doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện đàm phán với nhà đầu tư trái phiếu.
“Cứu” doanh nghiệp, đồng thời Nghị định 08/2023NĐ-CP cũng là công cụ bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Quy định về trái phiếu doanh nghiệp đến hạn có thể được thanh toán bằng tài sản khác như bất động sản hoặc được kéo dài thời hạn đáo hạn trái phiếu, chỉ được thực hiện khi người sở hữu trái phiếu chấp thuận. Doanh nghiệp phát hành cũng phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật. Khi đàm phán, trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).
Nghị định 08/2023NĐ-CP đã thể hiện sự thấu hiểu với những khó khăn trong giai đoạn hiện tại của doanh nghiệp, cũng như mở ra hướng tháo gỡ an toàn với số vốn còn tồn đọng của các nhà đầu tư. Nghị định đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý để xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, giúp 2 bên (nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành trái phiếu) tiến gần hơn nữa tới “điểm chạm” trên bàn đàm phán. Có thể nói, các nội dung quy định này như cơn mưa đúng lúc, cứu sinh cho cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Và Nghị định không chỉ tác động trực tiếp đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà còn là cú hích đối với các thị trường khác như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản. Minh chứng là ngay trong sáng 6/3, sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực vào 5/3, tâm lý nhà đầu tư hứng khởi với nhóm cổ phiếu bất động sản. Lực cầu nhập cuộc sôi động và hướng vào các mã bất động sản, rồi lan rộng ra thị trường, giúp VN-Index lấy lại đà tăng điểm.
Tuy nhiên, xét về bản chất, việc dành cho các doanh nghiệp thời gian tái cấu trúc và thu xếp các phương án thanh toán bằng các tài sản khác, là đẩy nợ xấu về tương lai. Do đó ngay trong hiện tại, doanh nghiệp cần tận dung cơ hội thời gian “ân hạn” này để hành động thật hiệu quả và có trách nhiệm. “Ân hạn” chỉ đến một lần, nên tranh thủ như thế nào để vượt khó một cách hiệu quả, đó chính là cuộc đua sinh tử đối với các doanh nghiệp. Còn về phía nhà đầu tư, cần một sự tin tưởng vào quy định của pháp luật, cũng như tin tưởng vào thiện tâm của doanh nghiệp để cho doanh nghiệp cơ hội được duy trì, trả nợ. Cân nhắc giữa việc chấp nhận để doanh nghiệp phải công bố phá sản, với việc giúp doanh nghiệp “còn nước còn tát” với hy vọng thu hồi đồng vốn đã bỏ ra, chắc chắn các nhà đầu tư đều có một câu trả lời cho mình. Khi cả hai bên cùng có trách nhiệm với chính mình và với nhau, thì sự thiện chí sẽ được xác lập, là cơ sở để hai phía cùng chèo chống vượt khó khăn trước mắt.
Tất nhiên, để bảo đảm cho “con thuyền” mà cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang cùng “chèo chống” đi đúng luồng lạch, vượt bão táp phong ba, cập bến như dự định, vai trò của nhà quản lý lại càng trở nên quan trọng. Ở vị trí trọng tài, công tác quản lý, hơn lúc nào hết phải tạo điều kiện, thúc đẩy và giám sát, để đảm bảo các “bàn đàm phán” diễn ra trong minh bạch, khẩn trương và hiệu quả. Có như vậy, Nghị định 08-2023/NĐ-CP mới thực sự phát huy được sức mạnh của nó, đưa “điểm chạm” giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp trái phiếu trở thành cú bắt tay bền chặt vượt mọi khó khăn.