Tình trạng mất cân bằng giới tính trong tỷ lệ sinh, cụ thể là số bé trai ra đời lớn hơn nhiều số bé gái, đang ở mức báo động. Đến mức Tổng cục Dân số đã phải đưa ra nhận xét về nguy cơ “ế vợ” ở nam giới Việt Nam trong vài chục năm tới sẽ gây ra nhiều bất ổn về mặt xã hội.
Thế nhưng, ngành văn hóa tỉnh Bắc Ninh lại đang có một mối lo ngại theo chiều ngược lại. Ấy là tại hầu hết các làng, câu lạc bộ quan họ trong toàn tỉnh, số lượng “liền chị” nhiều đến gấp 2 lần “liền anh”. Thống kê cho thấy, trong tổng số 8.042 người hát quan họ thuộc 598 làng, câu lạc bộ quan họ thì có tới 81% là các “liền chị”.
Sự mất cân bằng trên cũng ảnh hưởng lớn đến nỗ lực bảo tồn, phát triển hình thức diễn xướng truyền thống đặc trưng của quan họ- loại hình nghệ thuật vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Có ý kiến cho rằng, một trong số nguyên nhân là tình hình kinh tế - xã hội phát triển, đã có sự thay đổi trong quá trình phân công lao động xã hội. So sánh với ngày xưa, người phụ nữ Kinh Bắc nổi tiếng xinh đẹp, đảm đang tháo vát, ngoài làm ruộng, chăn tằm, còn thêm nghề chạy chợ buôn bán quanh năm để nuôi con, nuôi chồng nên giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế gia đình. Nam giới nhờ vậy mà có thời gian rảnh rỗi ở nhà, chuyên tâm học tập và theo đuổi nghệ thuật hát quan họ. Còn nay, lớp trẻ dường như không còn hứng thú với quan họ, người đàn ông cũng mang bận mối lo kinh tế và gánh nặng trụ cột gia đình.
Tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng đáng lo ngại-Ảnh internet |
|
Quan điểm trên chỉ giải thích được phần nào lý do về sự thiếu hụt các “liền anh” trong làng quan họ. Bởi nam nữ ngày nay đều có vai trò tham gia phát triển kinh tế gia đình như nhau. Trong số các thanh niên rời làng quê truyền thống ra thành phố lập nghiệp cũng không có thống kê nào cho thấy nam giới nhiều hơn nữ. Cũng rất khó để cho rằng nữ thanh niên ngày nay thích hát quan họ hơn nam thanh niên. Vậy có lời giải đáp nào thỏa đáng?
Để tìm ra nguyên nhân chính của “nghịch lý” trong làng quan họ cần có sự điều tra xã hội học cụ thể, khoa học. Nhưng chắc một điều rằng, sự thiếu hụt “liền anh” phản ánh hình thức nghệ thuật độc đáo này đang dần xa rời đời sống văn hóa tinh thần của người dân Kinh Bắc. Bởi nếu không, quan họ sẽ lấy lại được sự cân bằng vốn có.
Để duy trì bản sắc, cốt túy trong hình thức hát canh, hát đối đáp giao duyên, tỉnh Bắc Ninh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, mở rộng quy mô các hoạt động sinh hoạt văn hóa như hội thi, liên hoan, hội diễn các cấp; công nhận, tôn vinh và tặng thưởng các nghệ nhân dân ca quan họ... Nhưng rõ ràng, cần thêm các giải pháp giúp loại hình nghệ thuật này trở về đúng bản chất “dân ca”, chứ không chỉ mang tính biểu diễn lễ nghi. Khi ấy, mỗi người con khi nhận “làng quan họ quê tôi” sẽ đều biết hát được đôi câu quan họ.
Bắc Hà