Điệp khúc “được mùa mất giá”

Tình trạng nông sản rớt giá đang diễn ra tại nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở Tiền Giang, Long An, đầu vụ thanh long có giá trên 25.000 đồng/kg, đến thời điểm này chỉ còn 500 đồng/kg! Tại Bến Tre, giá dừa khô hiện giảm còn 40.000 đồng /12 trái (có nơi dưới 40.000 đồng), giảm gần 50% so với 3 tháng trước đây! Ở Vĩnh Long, giá khoai lang cũng giảm thê thảm khiến người dân chẳng buồn thu hoạch… Nông sản rớt giá khiến nông dân chỉ biết ngửa mặt than trời.


Câu chuyện bí đầu ra cho hàng nông sản hầu như năm nào cũng tái diễn, nhưng chưa tìm ra cách giải quyết hợp lý. Người tiêu dùng trong nước từng nhiều lần phải tham gia chiến dịch “giải cứu” nông sản cho nhà nông. Cứ sau mỗi đợt nông sản ùn ứ, giá rớt mạnh, vấn đề đầu ra của nông sản lại thu hút sự quan tâm của dư luận. Điệp khúc “được mùa, mất giá” một lần nữa cho thấy những bất cập trong công tác quy hoạch, sản xuất, tiêu thụ ở từng địa phương cũng như cơ quan quản lý nhà nước.


Rất nhiều ý kiến cho rằng, ngoài yếu tố quá lệ thuộc vào một thị trường, tình trạng dư thừa nông sản thời gian qua là hệ quả của việc thiếu đội ngũ doanh nghiệp đầu tư chuyên sâu vào lĩnh vực này. Thực tế, hiện ở nước ta, rất ít doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến nông sản nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị và hàm lượng công nghệ cao để đa dạng hóa thị trường, nâng giá trị xuất khẩu.


Không khó lý giải vì sao nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu bán thô và nhiều thời điểm nguồn cung bị dư thừa. Một số chuyên gia nông nghiệp thừa nhận, công tác xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu hiện rất yếu kém. Để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho xuất khẩu, nhưng khi triển khai lại vướng ở nhiều khâu, bởi vậy không ít doanh nghiệp rất ngại đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thể giúp nông dân có thêm thị trường xuất khẩu mới.


Thực tế, nhiều loại nông sản xuất khẩu của nước ta vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, qua con đường tiểu ngạch, giá vừa thấp, lại rủi ro cao và thường xuyên rơi vào cảnh bị ép giá. Không những thế, mạng lưới phân phối trong nước cũng đang gặp phải những bất cập lớn. Nông sản phải qua quá nhiều kênh trung gian, khiến giá đội lên hàng chục lần. Đơn cử như dưa hấu, giá thương lái mua tại ruộng chỉ từ 300 đến 500 đồng/kg, tới các chợ đầu mối đã lên 3.000 đến 5.000 đồng/kg, khi đến tay người tiêu dùng thì giá ngất ngưởng từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg. Chưa hết, dưa hấu chủ yếu được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và khi đã độc quyền tiêu thụ, thương lái Trung Quốc “kén cá chọn canh”, ép giá, đẩy người sản xuất trong nước vào con đường cùng.


Vấn đề “được mùa mất giá” cũng cho thấy những bất cập trong công tác quy hoạch và định hướng sản xuất cho nhà nông. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từng nhiều lần cảnh báo các địa phương về vấn đề phá vỡ quy hoạch mùa vụ, cây trồng, tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra. Không còn phải bàn cãi, nếu có dự báo chính xác về nhu cầu thị trường, đưa ra quy hoạch đúng đắn, không để người dân phá vỡ quy hoạch…, chắc chắn tình trạng bấp bênh trong tiêu thụ nông sản sẽ giảm.


Yến Nhi
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN