Luật Giao thông đường bộ quy định, trẻ em trên 6 tuổi khi ngồi trên xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, cài quai đúng quy cách. Quy định là thế, nhưng lâu nay, cơ quan chức năng vẫn chưa tiến hành xử phạt và các bậc phụ huynh cũng chẳng mấy quan tâm.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hiện có trên 94% người lớn đội mũ bảo hiểm, nhưng chưa đến 5% trẻ em đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Còn theo Bộ Y tế, mỗi năm ở nước ta có gần 2.000 trẻ em bị tử vong vì tai nạn giao thông, trong đó có nguyên nhân trẻ không đội mũ bảo hiểm khi gặp tai nạn.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hiện có trên 94% người lớn đội mũ bảo hiểm, nhưng chưa đến 5% trẻ em đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Còn theo Bộ Y tế, mỗi năm ở nước ta có gần 2.000 trẻ em bị tử vong vì tai nạn giao thông, trong đó có nguyên nhân trẻ không đội mũ bảo hiểm khi gặp tai nạn.
Đó là con số đáng báo động và cũng là căn cứ để Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xử phạt (từ 9/4/2015) các bậc cha mẹ không chấp hành việc đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông.
Lâu nay việc xử phạt trẻ em trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, tuyên truyền là chính. Trên thực tế, việc phát hiện và xử lý đối với trường hợp này thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do không đủ căn cứ pháp lý để xác định được độ tuổi của trẻ, ngoại trừ việc xác nhận bằng mắt thường là qua đồng phục học sinh tại các điểm trường. Có lẽ vì vậy mà ý thức của phụ huynh trong việc đội mũ bảo hiểm cho con mình chưa thật sự chuyển biến. Quan sát tại một số điểm trường ở Thủ đô trong những ngày gần đây, tình trạng phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông còn khá phổ biến. Điều này cho thấy nhiều phụ huynh chưa thật sự ý thức được tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm, nên thực hiện không nghiêm túc và việc đội mũ bảo hiểm cho con khi đi bằng phương tiện xe máy chưa trở thành thói quen của nhiều người. Có phụ huynh đội mũ bảo hiểm cho con, nhưng lại không cài quai đúng quy cách, mũ cũng không hợp với kích cỡ và độ tuổi.
Thực tế cho thấy, đội mũ bảo hiểm đúng quy cách là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa những trường hợp đáng tiếc khi tai nạn giao thông xảy ra, trong đó có chấn thương sọ não, gây tử vong. Ngành Y tế cũng đã nghiên cứu và đưa ra kết quả rằng, đội mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng không ảnh hưởng đến sức khỏe con trẻ, trong đó có đốt sống cổ. Trường hợp bị tai nạn giao thông, thì nguy cơ chấn thương vùng đầu sẽ giảm 69%, nguy cơ tử vong giảm 42%.
Đã có rất nhiều bài học đau lòng từ những vụ tai nạn giao thông gây thương tích cho trẻ. Vì tai nạn giao thông mà nhiều đứa trẻ vô tội phải chịu thương tật suốt đời, bao gia đình mãi mãi mất đi đứa con thân thương chỉ từ sự chủ quan, lơ là của bậc làm cha làm mẹ!
Rõ ràng, việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông là hết sức cần thiết. Việc làm này không những bảo vệ tính mạng cho trẻ khi tham gia giao thông, mà còn xây dựng được một nền nếp, ý thức chấp hành Luật Giao thông cho trẻ. Vấn đề cốt lõi là phải nâng cao ý thức và tâm lý phòng ngừa của các bậc cha mẹ về tai nạn giao thông. Trong điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông còn yếu kém, chưa đồng bộ, cùng với tuyên truyền, đẩy mạnh kiểm tra thực hiện luật lệ giao thông, cần phải nêu cao ý thức tự giác của các bậc cha mẹ. Không còn nghi ngờ gì, tai nạn giao thông đang là nỗi ám ảnh; gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cũng như tinh thần cho nhiều gia đình và cả xã hội. Nếu các bậc phụ huynh tham gia giao thông nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, thì chắc chắn sẽ bớt đi những hệ lụy đau lòng từ tai nạn giao thông.
Chính vì thế, rất cần sự hợp tác của các bậc phụ huynh khi thực hiện các chủ trương, các giải pháp của cơ quan chức năng về an toàn giao thông, trong đó có chủ trương đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông và các bậc phụ huynh phải là tấm gương sáng cho con trẻ noi theo.
Yến Nhi