Đốt vàng mã là một tập tục truyền thống của nhân dân ta. Dưới góc nhìn của các nhà quản lý văn hóa, đốt vàng mã được xem là một trong những phần nghi thức tôn giáo tín ngưỡng, thể hiện sự giao tiếp của con người đối với thế giới siêu nhiên. Từ các lễ hội truyền thống cho đến nghi lễ cá nhân, gia đình, đều có hình thức giao tiếp này và đều được thực hiện với một thái độ trang trọng, thành kính, hiểu biết về lễ thức tiến hành. Vấn đề là người dân cần hiểu biết về nghi lễ này, tránh bùng nổ thái quá và được gắn cho những ý nghĩa mới, sai lệch với ý nghĩa ban đầu. Còn nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng đốt vàng mã có gốc tích từ tục chia của cho người đã khuất. Lúc đầu, người ta chia cho người đã khuất những của cải thật, sau đó thay bằng các biểu trưng.
Với Phật giáo, nhiều nhà sư giữ trọng trách trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định trong Phật giáo không hề có đốt vàng mã. Sở dĩ việc đốt vàng mã vẫn diễn ra ở các chùa lâu nay là trong quá trình vận động, giao thoa và tiếp biến của Phật giáo tại nước ta qua các giai đoạn lịch sử, không thể tránh khỏi hiện tượng pha tạp các tín ngưỡng dân gian cũng như sự xâm thực của một số hủ tục vào sinh hoạt thiền môn. Đã từng có thời kỳ 1930 – 1940, hòa thượng Thích Tố Liên đã khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo, bài trừ những hoạt động mê tín dị đoan, đốt vàng mã vì thế mà giảm hẳn trong các cơ sở thờ tự.
Trên thực tế, cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao thì những hoạt động mê tín dị đoan cũng như sinh hoạt tín ngưỡng thái quá cũng có điều kiện phát triển theo. Đốt vàng mã từ chỗ mang ý nghĩa tâm linh tốt đẹp ngày càng trở thành trào lưu lạc hậu với việc đốt “đủ loại” từ cỗ kiệu xe ngựa thì nay thêm ô tô, xe máy, cả máy bay, nhà lầu, biệt thự cùng với các đồ công nghệ hiện đại cũng được cập nhật như điện thoại thông minh, máy tính; thậm chí cả hình nhân giúp việc… theo quan niệm “trần sao âm vậy”. Đồ mã không còn mang tính tượng trưng truyền thống nữa mà nay đã to lớn “như thật”, nhà nọ đua tranh với nhà kia để tiêu tốn vào việc đốt vàng mã hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Đốt vàng mã quá nhiều không chỉ tốn kém, lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường mà còn gây nguy cơ cháy nổ. Đã có không ít vụ cháy gây thiệt hại cả người và tài sản từ nguyên nhân đốt vàng mã.
Để hạn chế vấn nạn đốt vàng mã thái quá, mùa lễ hội nào cơ quan chức năng đều có các văn bản đôn đốc, nhắc nhở các địa phương về việc tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn minh trong các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng. Việc xử phạt cũng đã được quy định tại Điều 18 Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/7/2010 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác”. Tuy vậy, có thể hiểu là quy định chỉ cấm đốt vàng mã bừa bãi chứ không cấm hoàn toàn. Thay vào đó là việc đốt vàng mã phải đúng nơi quy định, cụ thể là ở các lò hóa vàng mà hầu như cơ sở thờ tự nào cũng có.
Đốt vàng mã là một tập tục tín ngưỡng dân gian từ lâu đời, bởi vậy khó có thể cấm bằng các mệnh lệnh hành chính. Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng thay đổi về nhận thức, tập tục phải có một quá trình chứ không đơn giản ở việc ban hành văn bản cấm hay không cấm. Hiện tại ra văn bản cấm đốt vàng mã thì chưa có căn cứ. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng chỉ có thể tuyên truyền, khuyến khích người dân đơn giản hóa việc đốt vàng mã chứ khó cấm hoàn toàn ngay. Trong khi đó, việc tuyên truyền, vận động tiến tới bỏ việc đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự Phật giáo là việc có thể làm được và đã từng làm được.
Hy vọng rằng, chủ trương của Giáo hộ Phật giáo Việt Nam về loại bỏ đốt vàng mã sẽ không chỉ riêng với cộng đồng Phật tử mà lan tỏa ra toàn xã hội. Nhưng trước mắt, có lẽ ngành văn hóa nên có quy ước cụ thể thế nào là đốt vàng mã đúng và đủ mà không thái quá.