Tổ chức Y tế thế giới đã đánh giá cao việc Việt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Các chuyên gia y tế nước ta cũng khẳng định, dù chưa có thuốc đặc trị hay vắc xin phòng COVID-19, nhưng Việt Nam có đủ năng lực, kinh nghiệm, tự tin chữa khỏi bệnh bằng các phương pháp điều trị khác. Nếu có ca nhiễm mới, Việt Nam đủ năng lực khoanh vùng, chữa khỏi bệnh.
Cùng nỗ lực đáng khen ngợi của ngành y tế, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã góp phần kiểm soát COVID-19. Cho đến nay, những giải pháp phòng ngừa như cho học sinh nghỉ học, dừng các lễ hội, hạn chế tập trung đông người, tăng cường tuyên truyền về vệ sinh phòng dịch, khoanh vùng cách ly… đều cho thấy sự hiệu quả và cũng không “thừa”. Trong đó, công tác tuyên truyền có thể coi là một điểm sáng nhờ sự đổi mới của ngành chức năng và các cơ quan truyền thông. Từ người già cho đến các em thiếu nhi, đặc biệt là ở các thành phố lớn có mật độ dân cư đông đúc, đều ý thức được các biện pháp cơ bản như đeo khẩu trang chỗ đông người, rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn.
Bên cạnh đó, trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, truyền thống nhân ái của dân tộc lại được phát huy bởi nhiều nghĩa cử cao đẹp. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc vật tư, trang thiết bị y tế gồm máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay và khẩu trang y tế với tổng trị giá 500.000 USD. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động các tổ chức cá nhân, quyên góp hỗ trợ nhân dân Trung Quốc số vật tư y tế trị giá 100.000 USD. Chúng ta cũng tổ chức những chuyến bay đặc biệt đón công dân Việt Nam từ tâm dịch về nước và đưa công dân Trung Quốc đang mắc kẹt về nhà. Ở trong nước, nhiều tổ chức, cá nhân đã tặng miễn phí khẩu trang, nước sát khuẩn phòng dịch. Nhằm khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19 gây ra, nhiều người đã xếp hàng để hiến máu sau Tết, vận động nhau “giải cứu” nông sản bị ế đọng…
Thế nhưng, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội lại lợi dụng dịch bệnh để tung tin sai sự thật nhằm gây hoang mang dư luận, chống phá chính quyền hoặc trục lợi. Một bộ phận người dân thiếu hiểu biết cũng tham gia lan truyền những thông tin thiếu cơ sở mà không lường trước được tác hại. Đó là các thông tin sai sự thật về đâu đó có người nhiễm virus Corona hoặc người từ vùng dịch về có nguy cơ cao lây lan ra cộng đồng; là các biện pháp phòng ngừa thái quá, phản khoa học về cách lây lan, hay sự tồn tại của virus Corona… Gần đây còn có lời kêu gọi công nhân không đi làm vì nhà máy có người từ vùng dịch trở về.
Những thông tin sai sự thật, thiếu cơ sở như trên sẽ gây hậu quả khôn lường khi lan truyền trên mạng xã hội mà người dùng không tỉnh táo nhận biết. Việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa hay cách ly thái quá sẽ gây thiệt hại cho chính bản thân mỗi người, cho gia đình, cho doanh nghiệp nếu công việc, hoạt động sản xuất kinh doanh đình đốn. Cơn sốt khan hiếm khẩu trang y tế là một ví dụ nếu mỗi người dân không hiểu rõ tác dụng của nó. Các cơ quan chức năng cũng sẽ gặp khó khăn khi cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa đúng mức. Với những cá nhân bị “dính” tin đồn, họ sẽ phải chịu một áp lực khủng khiếp từ cái nhìn kỳ thị của cộng đồng và đôi khi sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Thậm chí, ngay cả với những y, bác sỹ ở tuyến đầu chống dịch COVID-19, một trong những khó khăn lớn với họ là vượt qua được áp lực tâm lý từ gia đình và cộng đồng về nỗi lo bị lây nhiễm.
Sự chung tay của cộng đồng phòng chống dịch COVID-19 đã có những kết quả thành công bước đầu. Vì vậy không có lý do gì để quá hoang mang và tin vào những lời đồn thổi trên mạng xã hội khi thông tin chính thức từ cơ quan chức năng vẫn được cập nhật đầy đủ. Nếu không, thiệt hại từ sự hoang mang còn lớn hơn nhiều thiệt hại từ dịch COVID-19 gây ra.