Đừng để tái diễn thảm họa

Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây chiều 3/4 vừa qua đã để lại bài học thật đau lòng. Nguyên nhân được xác định do người dân đốt rơm rạ khói bay dày đặc, khiến các lái xe bị hạn chế tầm nhìn. Hậu quả là 10 xe ô tô đâm nhau liên hoàn khiến 4 người thương vong, các phương tiện bị hư hỏng nặng.

Đây không phải là vụ tai nạn giao thông đầu tiên xảy ra xuất phát từ việc người dân đốt rơm rạ ven quốc lộ và thảm họa do tai nạn giao thông sẽ tiếp tục xảy ra nếu tái diễn tình trạng đốt rơm rạ ven đường cao tốc. Bởi vậy, trong công điện về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý các địa phương cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng này. 

Tác hại của việc đốt rơm rạ ven quốc lộ, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc thì đã rõ, nhưng quy trách nhiệm cho cá nhân, đơn vị nào thì quả thật không đơn giản. Trước hết trách nhiệm này thuộc về người dân, bởi họ chính là thủ phạm gây nên những đợt khói bụi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và khói bụi tràn cả vào thành phố. Nhưng suy xét căn cơ, thì có lẽ trách nhiệm không dừng lại ở đó.

Nhiều năm trở lại đây, tại nhiều địa phương trong cả nước, sau khi thu hoạch lúa, người nông dân thường xử lý rơm rạ bằng cách đốt ngay tại ruộng. Dù đã có những cảnh báo, thậm chí cả những giải pháp mạnh, nhưng đáng tiếc nó vẫn chưa được ngăn chặn. Phải thấy rằng việc đốt rơm rạ trên đồng để lấy nguồn phân bón tự nhiên là tập quán sản xuất của người dân, không phải chỉ trên tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, mà còn diễn ra ở nhiều tuyến đường khác trên cả nước. Không còn nghi ngờ gì, việc đốt rơm rạ ven quốc lộ không chỉ gây tai nạn giao thông, mà còn làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng. 

Thời nông nghiệp chưa trở thành sản xuất hàng hóa, ở miền Bắc, hầu như mỗi đội sản xuất đều có sân kho riêng để phơi lúa mới gặt hoặc phơi rơm rạ… Nhưng từ khi khoán hộ, sân kho hợp tác xã đã không còn, đất sân kho bị chuyển đổi mục đích hoặc chia lô bán nền. Làm nông nghiệp mà không có chỗ chế biến lúa sau thu hoạch, người nông dân buộc đưa máy ra đồng, thậm trên đường để tuốt lúa rồi đốt rơm rạ. Trước đây, rơm rạ là một phần thiết yếu trong đời sống người nông dân. Không những làm chất đốt, rơm còn là thức ăn cho trâu bò. Nhưng hiện nay, phần lớn nhà cửa ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ đã ngói hóa, bê tông hóa; người dân sử dụng than và khí sinh học làm chất đốt… thì rơm rạ không biết dùng để làm gì nên người nông dân đành chọn cách… đốt. Bởi vậy, điều quan trọng nhất để xóa bỏ việc đốt rơm rạ là ở chính bà con nông dân. Chắc chắn rằng, người nông dân cũng đã nhận thấy rõ tác hại của việc đốt rơm, rạ, song mọi việc có thay đổi được hay không, thì còn phụ thuộc vào sự thay đổi về nhận thức, thói quen của chính họ. 

Thử đặt câu hỏi, trong những quy hoạch xây dựng nông thôn mới, có địa phương nào, cấp chính quyền nào tính đến bài toán xử lý rơm rạ sau thu hoạch cho nông dân? 

Đã có những nghiên cứu trên phạm vi quốc gia về tác hại của việc đốt rơm rạ đến chất lượng không khí, đồng thời chỉ ra những giải pháp thay thế cho việc đốt rơm rạ. Tuy nhiên, người nông dân vẫn không thể tiếp cận được những kết quả này và vẫn chưa ý thức được khói rơm rạ gây nguy hại như thế nào đến môi trường, sức khỏe con người.


Cách đây một vài năm, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo một số cơ quan chức năng xúc tiến việc nghiên cứu công nghệ phù hợp để xử lý, tận dụng rơm rạ trở thành nguồn vật liệu bổ sung, phân vi sinh đồng thời hướng dẫn việc dùng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà chương trình này không thể kéo dài và không tới được các hộ nông dân.

Đưa ra ví dụ trên để thấy, chuyện đốt rơm rạ gây ra nhiều hệ lụy không phải không có cách để giải quyết. Vấn đề là cần có sự tuyên truyền, hướng dẫn, thậm chí có cơ chế chính sách khuyến khích người dân sử dụng rơm thế nào cho hiệu quả, từ đó biến “vấn nạn” thành lợi ích kinh tế, chứ không phải chỉ biết đổ lỗi cho người dân.

Yến Nhi
Ngăn chặn hành vi đốt rơm rạ gây mất an toàn giao thông
Ngăn chặn hành vi đốt rơm rạ gây mất an toàn giao thông

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường các giải pháp ngăn ngừa tình trạng người dân đốt rơm rạ ảnh hưởng đến các tuyến đường bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN