Mới đây, Cơ quan Công an đã công bố kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, nhấn mạnh đây là vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ liên quan đến lĩnh vực an ninh năng lượng, an ninh tài chính, ngân hàng, xảy ra từ Trung ương đến địa phương, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp và gây thất thoát tài sản nhà nước đặc biệt lớn. Trong vụ án này, 15 bị can bị đề nghị truy tố ở 4 nhóm tội: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Vụ án này không chỉ cho thấy những vi phạm, những kẽ hở trong công tác quản lý, thực thi công vụ, mà còn tiết lộ “góc khuất” về lối sống xa hoa, xa xỉ của một số cán bộ, đảng viên. Theo cơ quan điều tra, một số cán bộ quản lý thuộc Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã nhận hối lộ hàng trăm nghìn USD từ Xuyên Việt Oil. Đặc biệt, ngoài số tiền nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng, ông Nguyễn Lộc An (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) đã nhận 1 đồng hồ Patek Philippe, mà ông An khai sau đó bán chiếc đồng hồ này được 23.000 USD. Còn ông Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) đã nhận tổng giá trị tiền và quà từ Xuyên Việt Oil lên tới 1.070.000 USD, trong đó có 1 bộ golf (trị giá 1,1 tỷ đồng), 1 đồng hồ Patek Philippe (trị giá 421.000 USD, tương đương 9,855 tỷ đồng), 1 xe ô tô Mercedes Benz S450 (trị giá 6,669 tỷ đồng).
Sự xa xỉ này có thể chỉ là phần nổi của “tảng băng trôi”, khi mà các đại án tham nhũng, kinh tế được đưa ra xét xử thời gian vừa qua cũng cho thấy số tiền nhận hối lộ của một số lãnh đạo bộ, ngành lên đến hàng triệu USD. Những thắc mắc vì sao một số quan chức có thể tậu xe sang, xây biệt phủ… với đồng lương nhà nước, dường như đã có câu trả lời ở một khía cạnh nào đó.
Vậy là, đã có thêm một số cán bộ, đảng viên gục ngã trước “viên đạn bọc đường”, có thêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm Điều lệ Đảng và Quy định về những điều đảng viên không được làm. Vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng thông đồng, câu kết với doanh nghiệp xấu, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, ngoài kia vẫn còn nhiều mảnh đời bươn trải vất vả, thì “thú chơi” xa xỉ của một số cán bộ, đảng viên như vậy là rất đáng lên án. Điều này đã tạo nên dư luận xấu, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào Đảng và hệ thống chính trị.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhắc nhở: “Liêm phải đi đôi với kiệm. Có kiệm mới liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam”, “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng… đều là bất liêm”, “Cán bộ phải thực hành chữ liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân”. Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Liêm là trong sạch, không tham lam. Như vậy, nếu không rèn được kiệm thì sẽ dẫn đến bất liêm, sẵn sàng làm trái pháp luật, sa vào chủ nghĩa cá nhân và xa rời lý tưởng của người cán bộ, đảng viên là phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Xa xỉ là xa dân, là vì lẽ đó.
Ở đây, vấn đề giáo dục liêm chính đối với cán bộ, đảng viên được đặt ra là rất cần thiết. Tham nhũng vẫn được xem là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực và quyền lực thì luôn có nguy cơ bị tha hóa. Cho nên, giáo dục đạo đức, xây dựng văn hóa liêm chính cần phải là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, cũng chính là quá trình tự tu dưỡng của mỗi cán bộ, đảng viên hướng đến “bốn không” là: “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.
Tại hội thảo khoa học gần đây về công tác giáo dục liêm chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thuộc đề án trình Bộ Chính trị ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính, nhiều kiến nghị, giải pháp đã được nêu ra, như: Tăng cường, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục liêm chính trong chương trình đào tạo cho học sinh, sinh viên nhằm tạo nguồn cán bộ liêm chính; liêm chính trong xây dựng nền tư pháp phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; liêm chính trong hoạt động kinh doanh; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đạo đức liêm chính, văn hóa liêm chính trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Quy định 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới cũng nhấn mạnh “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trong đó, yêu cầu cán bộ, đảng viên “không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân”; “Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực”.
Thực tế cho thấy vẫn còn một số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, dẫn đến suy thoái như trường hợp Lê Đức Thọ, Nguyễn Lộc An, Đỗ Thắng Hải, Trần Duy Đông… trong vụ án Xuyên Việt Oil, nhưng cũng có những người rất bản lĩnh trước cám dỗ. Đó là ông Nguyễn Thành Danh (nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương) - người đã được miễn trách nhiệm hình sự do không có động cơ vụ lợi khi vi phạm quy định về đấu thầu, nhiều lần từ chối nhận tiền của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và không tham gia vào việc nâng giá kit test. Tương tự, ông Trần Thanh Phong (nguyên Phó trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương) cũng được miễn trách nhiệm hình sự trong vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, do thực hiện mệnh lệnh theo cấp trên và không hưởng lợi cá nhân. Mới đây thôi, cả hai nguyên cán bộ của CDC Bình Dương này đều được thay đổi hình thức kỷ luật Đảng từ cảnh cáo sang khiển trách…
Những hình ảnh đối lập này một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của giáo dục liêm chính đối với cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, song hành với quá trình tự tu dưỡng, tự soi tự sửa, từ đó có thể phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ gốc, từ sớm, từ xa, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, liêm khiết, phụng sụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.