Không có gì để bao biện cho hành vi trái pháp luật và thiếu văn hóa của nhóm người trên. Nhưng qua sự việc này, chúng ta “bỗng” nhận ra, những hoạt động thể thao vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị lại vẫn đang hàng ngày diễn ra không phải hiếm ở Thủ đô.
Không chỉ là những người đi xe đạp vào đường cấm, đó có thể là những người chạy bộ dưới đường giao thông cho dù nguy hiểm rình rập đến tính mạng của chính họ. Hay vỉa hè các con phố Đại Cồ Việt, Lê Thánh Tông… cũng có lúc bị chiếm dụng hoàn toàn bởi các sân cầu lông, đá cầu. Ngay cả ở vườn hoa, công viên, nhiều khu vực công cộng cũng bị chiếm dụng để chơi thể thao (dù thiết kế chỉ dành cho người đi bộ), buộc những người đi dạo hay chạy bộ phải vòng tránh lối khác…
Bên cạnh nguyên nhân chủ quan từ những người chơi thể thao, có một thực tế là Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn khác ở trong tình trạng rất thiếu không gian công cộng dành cho các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí. Điều này cũng dễ hiểu bởi trong bối cảnh đất chật, người đông, “tấc đất tấc vàng”, ngay cả những nhu cầu cấp thiết hơn như nơi đỗ xe, trường học… còn không có đất để bố trí. Bình thường người đi bộ cũng hiếm khi có được một tuyến vỉa hè thông suốt mà không phải rơi vào tình trạng đi zíc zắc để vòng tránh các hoạt động dân sinh thì nói gì đến đi bộ thể dục hay chạy bộ thể thao.
Nhưng không gian dành cho thể dục thể thao không chỉ đơn thuần là một tiện ích mang tính xã hội phi lợi nhuận. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, rất nhiều cơ sở đã đầu tư sân bãi, trang thiết bị thể thao cho mục đích kinh doanh. Ở cuối phố Minh Khai, nơi vốn có nhiều nhà máy từ thời bao cấp hiện đã phải di dời hoạt động sản xuất chính ra khỏi nội đô, có ít nhất 2 cụm sân cầu lông đã được tư nhân đầu tư trên cơ sở thuê lại… sân thượng của những nhà máy cũ. Những người chơi ở đây ước tính, chỉ riêng tiền cho thuê sân tập, người chủ đã thu về trên 100 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể thu nhập từ hoạt động trông xe, kinh doanh nước uống, trang thiết bị luyện tập.
Tuy vậy, trừ một số ít nhà thi đấu, trung tâm thể thao do địa phương, ban ngành đầu tư, quản lý, các phòng tập gym dễ thuê mặt bằng, còn đa phần các địa điểm kinh doanh thể thao như sân bóng đá, cầu lông, tennis… đều dựa trên mặt bằng có tính chất “tạm thời” như đất bãi ngoài đê, đất trống của các dự án chưa triển khai hay các cơ sở cũ chờ chuyển đổi mục đích như hai nhà máy ở trên đề cập. Không rõ trong quy hoạch đô thị có đủ diện tích đất dành cho thể thao (có thể là kinh doanh hoặc phục vụ công cộng) hay là có nhưng quy hoạch bị phá vỡ?
Trong khi đó, ở các khu đô thị mới, một trong những tiêu chuẩn để nâng cấp thành khu đô thị cao cấp luôn phải có các khu vực dành cho thể dục thể thao. Mặc dù diện tích dành cho thể dục thể thao tính theo đầu người chưa hẳn đã đúng chuẩn, nhưng các chủ đầu tư vẫn hưởng lợi gián tiếp từ giá bán nhà cao hơn và người mua cũng muốn tìm đến các khu đô thị có nhiều tiện ích dành cho cư dân.
Và như thế, không gian dành cho thể dục thể thao vừa là một nhu cầu thiết yếu của người dân, vừa đem lại cả những giá trị kinh tế nhìn thấy được. Bởi vậy, trong mục tiêu xây dựng những đô thị văn minh, hiện đại, những “thành phố đáng sống”, đừng bỏ quên mất không gian này.