Vậy là đã hơn một năm kể từ làn sóng bất ổn ở Trung Đông – Bắc Phi mà phương Tây gọi bằng cái tên “Mùa xuân Arập”. Hy vọng của người dân Trung Đông - Bắc Phi về dân chủ, hòa bình và thịnh vượng đã bắt đầu lụi tàn khi hầu hết các quốc gia, điển hình là Ai Cập, Yêmen, Libi và Xyri, vẫn chìm trong khủng hoảng và kiệt quệ.
Tại Yêmen, cuộc khủng hoảng chính trị được coi là kết thúc sau khi Tổng thống Abdullah Saleh chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Abdrabuh Mansur Hadi. Phương Tây còn lấy Yêmen ra làm ví dụ điển hình, thậm chí còn ví như là một hình mẫu về phương thức giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên, trên thực tế, biểu tình và xung đột giữa các phe phái chính trị ở quốc gia này vẫn nổ ra hàng ngày. Nguy hiểm hơn, cuộc khủng hoảng chính trị còn tạo điều kiện cho mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda mở rộng kiểm soát. Cho đến thời điểm này, người dân Yêmen vẫn phải đối mặt với bạo lực và biểu tình khi đất nước vẫn chìm sâu trong bất ổn.
Tại Libi, sau cuộc chiến khốc liệt với phần thắng thuộc về Hội đồng chuyển tiếp dân tộc Libi (NTC), tổ chức này giờ đây đang đau đầu trước thực trạng đất nước có nguy cơ tan rã khi các thủ lĩnh chính trị và bộ lạc ở miền đông nổ phát súng đầu tiên bằng tuyên bố thành lập khu tự trị Cyrenaica giàu dầu mỏ. Chính quyền trung ương đã phản ứng bằng lời cảnh báo sẽ dùng các biện pháp cần thiết, kể cả vũ lực, để ngăn chặn xu hướng ly khai ở miền Đông. Các phe phái vốn đã từng đứng chung một chiến hào nay lại trở thành đối đầu. Người dân Libi, vốn đã quá mệt mỏi và suy kiệt sau một thời gian dài nội chiến, giờ đây lại phập phồng lo ngại khi đất nước đứng trước nguy cơ bất ổn mới.
Trong khi đó, tại Xyri, máu vẫn tiếp tục đổ xuống từng ngày khi chính phủ và phe đối lập tiếp tục cuộc chiến giành quyền lực. Làn sóng dân chủ do phe đối lập khởi xướng ở Xyri trên thực tế đã đẩy quốc gia này rơi vào nội chiến và người dân chính là đối tượng đầu tiên đang gánh chịu hậu quả thảm khốc.
Cùng chung thực trạng này, Ai Cập đang mấp mé bờ vực một cuộc khủng hoảng mới khi mâu thuẫn nổ ra giữa các đảng Hồi giáo kiểm soát quốc hội với các đảng cánh tả xung quanh việc phe Hồi giáo muốn giành quyền chi phối quá trình soạn thảo hiến pháp. Những người tự do và các đảng cánh tả từng biểu tình lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak hồi năm ngoái, đã đe dọa tẩy chay tiến trình soạn thảo hiến pháp và kêu gọi nối lại các cuộc biểu tình phản đối.
Mùa xuân Arập đã làm rung chuyển một loạt các chính phủ ở Trung Đông và Bắc Phi, dựng nên nhiều chính thể mới ở khu vực này. Thế nhưng, bất chấp các mục tiêu đầy tham vọng về chấn hưng kinh tế, bình ổn đất nước, làn sóng dân chủ này trên thực tế đã và đang cuốn Trung Đông - Bắc Phi vào vòng xoáy khủng hoảng mới.
Cẩm Tuyến