Nhiều năm về trước, tôi đã từng lặn lội trong những cánh rừng để hiểu được cách người ta biến những cánh rừng già nguyên sinh thành… đất trồng rừng như thế nào. Với cách làm ấy, hàng trăm ha rừng già, toàn gỗ quý, bỗng chốc trở thành những khoảng đất trống trên giấy “nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng” để lập dự án trồng rừng. Không những rừng già mất đi, gỗ quý được lấy đi trên danh nghĩa “tận thu” mà chủ dự án còn được chính quyền trả tiền cho dự án trồng rừng mà thực chất là phá rừng quy mô lớn.
Lâm tặc có thể là những kẻ hung hãn, tấn công kiểm lâm khi cùng đường bị truy đuổi vì vừa “ăn cắp” được một vài lóng gỗ, cũng có thể là anh hàng xóm nghèo rớt mồng tơi ở quê tôi khi vào bìa rừng quơ củi hầm than kiếm sống qua ngày… đó là những người tôi biết, họ đều phải đối diện với những bản án tù vì tội phá rừng.
Nhưng lâm tặc đích thực phải là những quan chức với một vài chữ kí đã biến đất rừng thành đồi trọc cần lập dự án trồng rừng, lâm tặc đích thực còn là những người có đủ quyền lực cho những ngôi biệt phủ, những dự án ăn chơi, những khu biệt thự nghỉ dưỡng… mọc lên ngay trong khuôn viên rừng quốc gia, trong những khu bảo tồn thiên nhiên hay trên những cánh rừng già phòng hộ thơ mộng…
Cũng có những quan chức phải chịu tội vì những sai phạm kiểu như vậy, nhưng phần lớn, họ vẫn còn ngồi chiễm chệ đâu đó. Và nếu so với những cánh rừng đã mất, so những thảm họa mà cả nước đang phải gánh chịu thì những tên lâm tặc đích thực vẫn ung dung và gần như chưa phải trả giá gì.
Mấy ngày qua, thông tin về đảo Phú Quốc bị ngập lụt khiến tôi không thể hình dung được vì sao giữa biển khơi mà nước không thoát kịp. Mưa lớn, kéo dài là tất cả những gì mà báo chí thông tin về nguyên nhân gây ngập lụt. Nguyên nhân lụt là do … nước, hẳn là vậy rồi. Nhưng nếu nhìn từ bản đồ vệ tinh, hòn đảo ngọc phủ đầy rừng trước đây giờ nhà cửa, phố xá không khác gì Sài Gòn. Phần lớn rừng bị lùi vào quá khứ để thay vào đó bằng những mảng bê tông nham nhở, vô cảm… Thiên nhiên, vốn dĩ đã rất bao dung, chu đáo cho con người, nhưng chính con người đã khước từ sự bao dung ấy bởi sự tham lam, dối trá. Thảm họa là điều không tránh khỏi.
Thông tin lũ quét ở Tây Nguyên, ở Đắc Nông ở Đà Lạt ở các tỉnh phía Bắc… tính mạng người dân, nhà cửa, hoa màu trôi theo con nước lũ vẫn cứ dồn dập trên mặt báo. Không chỉ mùa lũ năm nay mà liên tục trong những năm gần đây, năm nào cả nước cũng phải gánh chịu những cảnh tượng đau thương tang tóc như vậy.
Tây Nguyên không còn những cánh rừng đại ngàn để che chở cho những thân phận bé nhỏ của con người. Cả dải đất miền Trung mỏng hẹp lúc nào cũng có thể ngập trong nước, có thể bị cuốn ngay ra biển khi toàn bộ những cánh rừng già phía thượng nguồn Tây Nguyên hùng vĩ không còn nữa…
Đó là những thảm họa mà ai cũng có thể thấy, ai cũng có thể hình dung được, nhưng dã tâm với những mảng rừng thưa thớt còn sót lại trên cả nước dường như vẫn chưa dừng lại. Tin tức về những vụ phá rừng dù chưa đầy đủ nhưng vẫn còn xuất hiện liên tục trên mặt báo. Rừng tiếp tục bị triệt hạ, những dự án, những dinh thự, những biệt phủ tiếp tục được mọc lên trên sự vô cảm và tham lam cùng cực của những kẻ có thế lực, tiền bạc và thậm chí là những người có trách nhiệm phải giữ rừng.
Thật khó để nói với những kẻ tham lam về lương tri con người, thật khó để nói về nỗi đau mất mát của người khác khi bản thân mình chưa thực sự phải chịu đựng. Thiên nhiên đang bị tàn phá vẫn đang khác xa với… thiên nhiên quanh ngôi biệt phủ, khác xa với thiên nhiên quanh những dự án nghìn tỷ… làm sao để họ hiểu và cảm nhận được. Có lẽ phải đợi thêm chút ít nữa, khi thảm họa ập lên chính đầu họ.