Có luồng ý kiến ủng hộ, khi lâu nay, tình trạng người đi bộ vô tư qua đường bộ, đường sắt, ngay trước mũi các phương tiện lưu thông, tiện đâu qua đấy, thản nhiên đi dưới lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến chưa thật sự đồng tình, cho rằng xử phạt người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đường sắt lúc này chưa phải là thời điểm thích hợp. Bởi hiện nay, vỉa hè dành cho người đi bộ đang bị buông lỏng quản lý, bị chiếm dụng vô tội vạ. Không ít tuyến phố, phần đường dành cho người đi bộ đã bị thương mại hóa, trở thành tổ hợp kinh doanh ẩm thực, buôn bán, trông giữ phương tiện, gây mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông.
Nhiều năm trở lại đây, báo chí đã phản ánh rất nhiều về sai phạm trong việc quy hoạch sử dụng lòng đường, vỉa hè ở Hà Nội, đặc biệt là tình trạng vỉa hè, lòng đường ở các tuyến phố trung tâm bị lấn chiếm không thương tiếc phục vụ cho việc buôn bán, trông giữ ô tô, xe máy. Khách quan mà nói, Hà Nội đã có những biện pháp mạnh để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, do thiếu giải pháp đồng bộ, thiếu sự thống nhất quản lý, thiếu quyết liệt trong kiểm tra, giám sát, không quy trách nhiệm rõ ràng..., nên kết quả mang lại chẳng khác “ném đá ao bèo”. Tại một số tuyến phố, các điểm trông xe chui, thậm chí là cấp phép sai quy định vẫn ngấm ngầm diễn ra. Đáng nói hơn cả là tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa các cơ quan chức năng của thành phố với cấp chính quyền cơ sở. Tại một số địa bàn, chính quyền phường đã tiếp tay cho vi phạm, thể hiện qua việc “bán cái” cho các cá nhân, tổ chức trông giữ xe không phép. Có ủy ban nhân dân phường tự đứng ra ký hợp đồng với cá nhân, tổ chức; hoặc các bộ phận của phường đứng ra tổ chức kinh doanh trông giữ xe không chỉ ở vỉa hè, mà cả dưới lòng đường, gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Do vậy, ngoài việc xử phạt người đi bộ vi phạm, cần xử phạt những hành vi lấn chiếm lòng đường, lề đường tràn lan, trả lại vỉa hè cho người đi bộ; đặc biệt, cần phải làm cương quyết, tới nơi tới chốn, không “đánh trống bỏ dùi”, rộ lên theo kiểu phong trào, chiến dịch.
Công bằng mà nói, có không ít người đi bộ thiếu ý thức, gây nguy hiểm cho tính mạng của bản thân và cho cả người khác. Tuy nhiên, cũng phải thấy rõ một thực tại, ngoài tình trạng vỉa hè bị trưng dụng làm bãi giữ xe, nơi kinh doanh buôn bán, thì có không ít tuyến phố ở Thủ đô, người đi bộ dù muốn qua đường đúng nơi quy định, hay đi bộ trên vỉa hè cũng không thể, bởi vỉa hè thường xuyên bị đào xới nham nhở, ngổn ngang vật liệu xây dựng, người dân không xuống đường thì không thể sang đường!
Ủng hộ việc siết chặt việc chấp hành luật lệ giao thông, nhưng trước hết, các cơ quan có trách nhiệm cần có quy hoạch giao thông hợp lý, đừng làm theo kiểu đánh đố người dân. Cần phải khẳng định, xử phạt người đi bộ vi phạm khi tham gia giao thông là việc cần làm và phải làm nghiêm. Tuy nhiên, cùng với việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật giao thông, thì việc đầu tư nghiêm túc và đồng bộ hạ tầng cho người đi bộ cũng cần được quan tâm đúng mức. Thực tế, rất nhiều người đi bộ khi bị xử phạt vẫn không biết đi như thế nào được cho là đúng, thế nào là sai luật. Họ than phiền, đường sá Hà Nội rối như tơ vò, phương tiện tham gia giao thông hỗn loạn, không có lối nào dành cho họ, vẫn biết là nguy hiểm, nhưng đành phải liều nếu muốn sang đường. Có trường hợp, người đi bộ rơi vào cảnh “biết không đúng luật nhưng vẫn phải đi”. Bởi đi bộ qua đường trên vạch kẻ sơn cũng không thực sự an toàn vì nhiều phương tiện “cướp” đường.
Thế nên, cứ chỗ nào vắng và nhận thấy sang được là họ sang. Đó là chưa kể, người đi bộ còn bị rối bởi gặp phải vô số những bất cập khác như: không đủ hạ tầng cho người đi bộ, nhiều điểm có vạch kẻ sơn bị mờ, có tuyến đi cả cây số mới có lối dành cho người đi bộ sang đường... Nhất là tại các điểm giao cắt, ngã tư, mặc dù lượng người bộ hành rất lớn, nhưng ở đây chỉ có phần đường dành cho xe cơ giới lưu thông và những người điều khiển loại phương tiện này đều không có ý thức nhường đường cho người đi bộ. Ngay tại vạch trắng dành cho người đi bộ, những dòng xe cứ ùn ùn lao đi như không có sự khác biệt so với khu vực khác. Người đi bộ luôn phải đối mặt với hiểm nguy, với sự thiếu tôn trọng của những người điều khiển xe cơ giới. Bên cạnh đó, tại một số hầm bộ hành, thì phần lớn được trưng dụng thành nơi kinh doanh, hoặc bị bỏ hoang, khóa trái cửa, thậm chí trở thành nơi tập kết rác thải. Chưa hết, kể từ khi Hà Nội “thí điểm” giải pháp chặn ngã ba, ngã tư để phân lại làn, thì vạch sơn chỉ đường dành cho người đi bộ trở nên vô dụng. Ở những điểm, nút giao thông như vậy, người đi bộ như lạc vào “mê hồn trận”, nhất là giờ cao điểm, họ trở nên bất lực, mất phương hướng và không còn cách nào khác là nhắm mắt làm liều.
Luật Giao thông đường bộ quy định tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ qua đường. Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường. Luật quy định như vậy, nhưng có mấy người tuân thủ?
Dư luận cho rằng, cơ quan chức năng của thành phố trước hết cần tạo mọi điều kiện, bảo vệ quyền lợi của người đi bộ. Khi quyền lợi của người đi bộ đã được tôn trọng, công bằng, mà ý thức chấp hành luật lệ giao thông vẫn bị xem nhẹ, thì lúc đó hãy mạnh tay.