“An cư lạc nghiệp” luôn là ước mơ của bao người, nhất là với những hộ gia đình nghèo, cận nghèo, những hộ dân trong vùng thiên tai, vùng sâu, vùng xa. Nhưng thực tế, nhiều người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo còn rất khó khăn về nhà ở. Có những hộ gia đình phải sinh sống trong những căn nhà tạm bợ, những “khu ổ chuột”, không đảm bảo cho điều kiện sinh hoạt hàng ngày, nguy cơ ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ. Rà soát mới đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước còn hơn 153.000 nhà tạm, dột nát cần phải xây mới hoặc sửa chữa. Nếu hỗ trợ các hộ dân với mức 50 triệu đồng/hộ xây mới, 25 triệu đồng đối với hộ sửa chữa nhà ở thì cả nước cần hơn 6.500 tỷ đồng.
Trước thực tế đó, trong hàng chục năm qua, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhiều chính sách về hỗ trợ nhà ở, đặc biệt với hộ nghèo trên cả nước đã được triển khai. Từ nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhiều ngôi nhà được xây mới, sửa chữa trên cả nước đã đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở của người dân.
Tính từ năm 2000 đến 2023, hơn 1,7 triệu căn nhà Đại đoàn kết đã được xây mới và sửa chữa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Điều đó đã thực sự đem lại niềm vui, sự an tâm để người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; được cả hệ thống chính trị, từ các cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, đến các đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân,… tập trung triển khai nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ. Nhiều việc làm thiết thực với quyết tâm cao đã được triển khai nhằm giúp người nghèo được ở trong những ngôi nhà an toàn, kiên cố, từ đó có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Đây cũng là một trong những chương trình an sinh xã hội có quy mô lớn, mang tính nhân văn cao, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, sự sẻ chia, đồng cảm trước những khó khăn, thiếu thốn của người dân.
Nhưng “xoá nhà tạm, nhà dột nát” không chỉ dừng lại ở việc “xoá” mà là “xoá bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát”. Quyết tâm chính trị đó thể hiện ở việc ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; trong đó đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 "xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu".
Ngày 13/4/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước từ nay đến năm 2025”. Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp trong cả nước phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, nhất là với người nghèo; phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.
Mới đây nhất, ngày 1/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan về triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thủ tướng yêu cầu tổ chức phát động đợt thi đua cao điểm 450 ngày đêm, huy động sức mạnh tổng hợp toàn xã hội, chung tay hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc.
Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương phải "quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó"; phân công lãnh đạo phụ trách “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”; tổ chức phát động phong trào sâu rộng, thực chất; quản lý, tiếp nhận sự ủng hộ chặt chẽ, giảm khâu trung gian; tăng cường kiểm tra, giám sát, chống tiêu cực, thất thoát…; phấn đấu đến 31/12/2025 cả nước hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc.
Quyết tâm mạnh mẽ “giải quyết dứt điểm”, “phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025” rất hợp với lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhưng để có thể triển khai hiệu quả phong trào thi đua này, cần sự chung tay, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các ngành, các cấp, các địa phương, chính quyền, đoàn thể, những tổ chức, cả nhân, đặc biệt là sự nỗ lực của mỗi người dân. Cùng nhau lan toả những hành động, nghĩa cử cao đẹp, góp ít thành nhiều, từ đó hỗ trợ các hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, không chỉ giúp các hộ dân thoát nghèo, mà còn từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững.