Hôm nay (28/11), Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 17 (COP 17) khai mạc tại Durban (Nam Phi) - sự kiện lớn đang được cả thế giới quan tâm trong bối cảnh Nghị định thư Kyoto, nỗ lực đầu tiên của nhân loại về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, sẽ hết hiệu lực vào năm 2012. Một trong những mục tiêu chính của COP 17 tìm biện pháp thay thế Nghị định thư Kyoto.
Thực tế từ trước đến nay cho thấy, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (BĐKH) của nhân loại gặp khá nhiều trắc trở và một trong những trở ngại lớn nhất là Mỹ, quốc gia có lượng phát thải nhà kính lớn nhất thế giới. Tất nhiên, một số quốc gia khác có nền kinh tế đang phát triển mạnh, như Trung Quốc, cũng sản sinh ra lượng khí thải ngày càng lớn cùng với những hoạt động kinh tế hủy hoại môi trường.
Từ nhiều năm qua, các nhà khoa học đã cảnh báo về những thảm họa có thể xảy ra khi nhiệt độ trung bình trên Trái Đất tăng thêm 2 độ C và đến thời điểm này tốc độ nóng dần lên của Trái Đất không những không giảm bớt mà thậm chí còn có chiều hướng nhanh hơn. Các nhà khoa học đã đặt ra khả năng đến năm 2100, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng thêm 2,8 độ C so với năm 2000, mực nước biển sẽ tăng thêm từ 0,21 - 0,48 mét và gây ra đại thảm họa cho nhân loại. Không chỉ như vậy, từ nay đến năm 2100, hàng tỷ cư dân ở những vùng đất thấp phải chống chọi với hàng loạt thiên tai lớn như bão lũ, hạn hán, lở đất, nhiễm mặn, bệnh tật... do hiện tượng Trái Đất ấm lên. Trái Đất không thể chờ đợi trong khi các nỗ lực cải thiện tình trạng BĐKH vẫn tiếp tục bị trì hoãn. Chính vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên nếu tại hội nghị năm nay, mọi chú ý đểu dồn về Mỹ, nước có lượng khí thải chiếm tới 20% của thế giới nhưng lại chưa bao giờ phê chuẩn Nghị định thư Kyoto.
Các nhà môi trường đang lo ngại về những hậu quả khắp thế giới nếu như COP 17 không đạt được một thỏa thuận. Tất nhiên, người nghèo sẽ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Song điều này không có nghĩa là những nước phát triển hoàn toàn miễn nhiễm với tai họa. Trái Đất là ngôi nhà chung. Vì vậy, nếu các nền kinh tế lớn tiếp tục đặt lợi ích cục bộ của quốc gia lên trên lợi ích nhân loại thì sẽ đến thời điểm cả nhân loại, không phân biệt giàu nghèo, cùng gánh hậu quả. Giới khoa học đã cảnh báo, các biện pháp cần thiết phải được tiến hành trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.
Cẩm Tuyến