Không để doanh nghiệp, người dân chờ đợi

Có điểm trùng hợp, bước vào những ngày làm việc đầu năm, lãnh đạo của hai thành phố lớn nhất nước là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều quán triệt lãnh đạo các đơn vị, địa phương chấm dứt ngay các hoạt động chúc tụng đầu năm, tập trung ngay vào công việc, không để người dân, doanh nghiệp chờ đợi; đồng thời tổ chức kiểm tra công vụ đột xuất, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm. Động thái trên thể hiện một phong cách làm việc mới, sự quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị trong việc thay đổi lề lối, phương thức làm việc trong bộ máy công quyền.

Như đã thành quy luật, thường sau mỗi dịp nghỉ Tết Nguyên đán, việc bắt nhịp của các cơ quan hành chính sự nghiệp, bộ máy công quyền hết sức chậm chạp, trong khi những việc còn tồn đọng trong dịp Tết khá nhiều. Các “công bộc” của dân thường tranh thủ những ngày làm việc đầu năm vào việc chúc tụng, thăm hỏi nhau, liên hoan sa đà. Nhiều cơ quan, công sở, những ngày làm việc đầu năm mới, không khí Tết vẫn còn rất tưng bừng. “Tháng giêng là tháng ăn chơi” hiện hữu trong tâm thức của không ít người. Không ít cán bộ, công chức tranh thủ đi muộn, về sớm. Phổ biến nhất là tình trạng tranh thủ trong giờ làm việc để đi lễ chùa, lễ hội, thăm hỏi người thân, bạn bè, tán chuyện gẫu... Có người đến công sở mà vẫn phảng phất hơi men. Chuyện Tết, chuyện xuân không chỉ tràn ngập các văn phòng, công sở, mà còn tràn cả ra các hàng, quán kinh doanh dịch vụ ăn, uống. 

Họ túm năm, tụm ba bàn tán, kể lể đủ thứ chuyện liên quan đến Tết. Đó là chưa kể, không ít cơ quan, đơn vị, những ngày làm việc sau Tết thường được lui lại đến cả tiếng, thậm chí vài tiếng đồng hồ. Có cơ quan, ngày đầu tiên trở lại làm việc, một số cán bộ, nhân viên còn đóng cửa ngủ gật. Để biện minh cho sự vắng mặt, dân công sở thường viện đủ lý do, nào là về quê không lên kịp, nào tắc đường lỡ xe, đau ốm… Người có mặt đúng lịch, đúng giờ giấc quy định của cơ quan, thì ngày làm việc đầu tiên của năm mới cũng chỉ có mặt để “đánh trống ghi tên”, mắt trước mắt sau rồi “chuồn”. Không ít người trong số này tranh thủ đi lễ chùa. Do vậy, tình trạng công sở vắng tanh, người dân, doanh nghiệp muốn giải quyết các công việc liên quan thường gặp khó khăn. Không ít đơn vị, cá nhân phải lỡ dở việc, nhất là những công việc liên quan đến thủ tục hành chính.

Thật nguy hại, nếu cán bộ, công chức không gột bỏ được quan niệm, tháng giêng là thời điểm lý tưởng để họ du xuân, hưởng thụ tinh thần, thì chắc chắn sẽ để lại hậu quả khó lường. Nó như hiệu ứng dây chuyền. Không chỉ đơn thuần là những chuyến xe công được tận dụng để đi hội, đi lễ, thăm thú người thân. Nghiêm trọng hơn là các đơn vị sản xuất kinh doanh rơi vào tình trạng thiếu nhân lực, vì vậy mà ảnh hưởng lớn đến đơn đặt hàng, tiến độ công trình, có khi dẫn tới thua lỗ, đổ bể…

Chính vì vậy, việc siết chặt kỷ luật hành chính, đảm bảo giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức sau Tết của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương khác trong cả nước được dư luận đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, việc siết chặt kỷ cương hành chính chỉ thực sự căn cơ và tạo sự chuyển biến khi mỗi cán bộ, công chức nêu cao ý thức tự giác, đề cao vai trò trách nhiệm và thái độ phục vụ của mình. Chắc chắn, lòng tin của người dân vào bộ máy công quyền ngày càng được củng cố khi mỗi cán bộ, công chức chấp hành nghiêm kỷ cương, thực hiện đúng chức trách, coi việc được phục vụ dân vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vinh dự.

Yến Nhi
Đầu xuân nói chuyện Olympic
Đầu xuân nói chuyện Olympic

Sau những ngày nghỉ Tết, một số đội tuyển của thể thao Việt Nam lại bước vào guồng quay giành những tấm vé cuối cùng để được góp mặt ở sân chơi thể thao lớn nhất hành tinh: Olympic 2016 diễn ra tại Brazil vào tháng 8 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN