Người đại diện của WHO cho rằng, sử dụng rượu, bia quá vượt tầm kiểm soát là yếu tố làm tăng gánh nặng đối với các bệnh không lây nhiễm. Nó cũng là nguy cơ gây tai nạn giao thông đường bộ, bạo lực và thương tích.
Khuyến nghị của người đại diện WHO quả là đóng góp bổ ích cho dự thảo “Luật phòng chống tác hại của rượu, bia” dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10 tới.
Theo đánh giá của WHO, tiêu thụ rượu bia của người Việt đang ở mức đáng báo động. Ước tính trung bình một người Việt từ 15 tuổi trở lên uống 8,3 lít cồn nguyên chất (lượng rượu, bia quy đổi) mỗi năm. Con số này cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Campuchia 6,7 lít, Philippines 6,6 lít và Singapore 2 lít).
Cũng theo WHO, mức tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam có tốc độ tăng rất nhanh. Trong vòng 5 năm qua (kể từ năm 2010), mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt tăng 15%, thiệt hại do sử dụng rượu, bia gây ra khoảng 1,3 - 3,3% GDP. Việc sử dụng rượu, bia quá mức cho phép ở Việt Nam dẫn tới 79.000 ca tử vong trong năm 2016.
Vì thế, WHO đưa ra khuyến nghị, để bảo vệ sức khỏe người dân, hệ thống pháp luật phải điều chỉnh chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, khuyến mại, tiếp thị và tiêu thụ rượu, bia. Cụ thể, WHO khuyến nghị Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề kiểm soát giá rượu, bia.
Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy, tăng giá bán, hạn chế khuyến mại, tài trợ, quảng cáo… sẽ giúp giảm mức tiêu thụ rượu, bia, đồng thời số người tử vong do sử dụng rượu, bia quá mức cũng giảm. Bởi vậy, Chính phủ Việt Nam cần có biện pháp quyết liệt hơn nhằm hạn chế rượu, bia, như điều tiết mật độ điểm bán, hạn chế thời gian bán, quy định độ tuổi được mua...
Phải nhìn nhận, sử dụng rượu, bia quá đà gây tác hại bao trùm, nhưng tác động lớn nhất là ảnh hưởng tới sức khỏe con người và tình hình trật tự an toàn giao thông.
Dưới góc độ an toàn giao thông, mới đây, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đề xuất Chính phủ cho phép tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ô tô, mô tô sử dụng nồng độ cồn vượt mức cho phép (trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở). Đề xuất này xuất phát từ mục tiêu nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản cho người tham gia giao thông và hướng đến một thông điệp “đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Cơ sở để Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đưa ra kiến nghị trên xuất phát từthực tế, rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây cướp đi sinh mạng nhiều người, mà một trong những nguyên nhân là người điềukhiển phương tiện sử dụng rượu, bia quá đà.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có tới 70% số vụ tai nạn liên quan đến sử dụng rượu, bia, trong đó 55% số ca tai nạn trong lứa tuổi 15 - 29, lứa tuổi 30 - 44 là 26%. Cùng với đó, tình trạng chống đối người thi hành công vụ khi bị kiểm tra phương tiện tham gia giao thông cũng có nguyên nhân xuất phát từ rượu, bia...
Đáng báo động, đội ngũ lái xe chuyên nghiệp đáng lẽ phải chấp hành nghiêm, lại là đối tượng vi phạm nhiều nhất. Phải thấy rằng, tình trạng lái xe sử dụng rượu bia gây tai nạn giao thông nghiêm trọng là nguy cơ có thật và sẽ trở thành hiểm họa nếu không có biện pháp mạnh để ngăn chặn.
Ở khía cạnh nào đó, vẫn còn những ý kiến trái chiều, những lo ngại về tính pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đặc biệt là ở lĩnh vực an toàn giao thông. Theo thống kê Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đã có xấp xỉ 40 văn bản luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư liên quan đến rượu, bia được ra đời. Nhiều tỉnh, thành phố, các ban ngành liên quan cũng ban hành văn bản mang tính nội bộ về hạn chế uống rượu, bia. Tuy nhiên, do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chỉ dừng ở phạt hành chính nên dẫn đến nhờn luật, tình trạng người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông vẫn không giảm.
Dưới góc độ sức khỏe người sử dụng rượu, bia, đã có những thống kê chỉ ra rằng, sử dụng rượu, bia thiếu kiểm soát ở Việt Nam đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân và cộng đồng. Trong báo cáo mới nhất của WHO, cho biết các loại đồ uống có cồn, ethanol là những tác nhân gây ung thư cho con người. Có bằng chứng thuyết phục rằng, rượu cồn là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, ruột (ở nam giới) và ung thư vú ở nữ giới. Việc uống rượu có độ cồn cao sẽ làm gia tăng nguy cơ ung thư ruột ở phụ nữ và ung thư gan bởi vì nó có thể góp phần làm tăng cân, đi kèm với các bệnh liên quan đến ung thư là quá cân, béo phì...
Bởi vậy, tại dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu, bia, rất nhiều biện pháp nhằm giảm tác hại cũng như giảm mức tiêu thụ, kiểm soát việc cung cấp rượu, bia... đã được cơ quan chức năng đề xuất. Đó là những đề xuất thiết thực, trùng hợp với khuyến nghị của WHO.