Vấn đề kỷ luật học sinh lại nóng lên sau vụ nữ sinh ở Trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) để lại thư tuyệt mệnh, uống quá liều thuốc trợ tim để tự tử vì bị nhà trường nêu tên trước cờ. Nhà trường cho biết nữ sinh này bị nhắc nhở nhiều lần do “mặc áo mỏng”, “đi xe phân khối lớn”, đã yêu cầu nữ sinh viết bản kiểm điểm, học nội quy trong 2 tuần. Còn theo gia đình, con họ tự tử vì cảm thấy uất ức, bị xúc phạm.
Trước đó, Trường THCS Ngô Quyền (Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cũng gây xôn xao dư luận khi bắt một học sinh đứng trước toàn trường đọc bản kiểm điểm. Đáng nói là nhà trường đã quay video và đưa lên trang cộng đồng của trường khiến dư luận bức xúc. Không chỉ vậy, học sinh này còn bị đình chỉ học 4 ngày, bị phạt lao động công ích trong suốt thời gian bị kỷ luật và hạ đánh giá hạnh kiểm từ trung bình đến yếu trong học kỳ 1… Nguyên nhân của hình phạt này là nhà trường cho rằng em đã xúc phạm một nhóm nhạc ở Hàn Quốc trên mạng, vi phạm Luật An ninh mạng.
Đó là chuyện kỷ luật học sinh trước toàn trường. Còn trong phạm vi lớp học, tình trạng học sinh bị phạt, bị phê bình trước lớp diễn ra phổ biến hơn nhiều. Năm 2019, dư luận trên mạng xã hội ồn ào sau khi xem bức ảnh nam sinh bị phạt quỳ giữa giờ học ở lớp 9B, Trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội). Rồi vụ học sinh lớp 2 của Trường Tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) đã bị giáo viên chủ nhiệm phạt bằng cách cho bạn cùng lớp tát 50 cái vào má vì nói tục.
Hậu quả của những vụ việc học sinh bị kỷ luật nói trên là các em bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề; giáo viên, lãnh đạo nhà trường bị kỷ luật; mối quan hệ học sinh-nhà trường-gia đình căng thẳng; dư luận xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm về môi trường giáo dục.
Đáng nói, vụ mới nhất xảy ra ở An Giang lại diễn ra không lâu sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 1/11/2020). Theo đó, nhà trường không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường. Thay vào đó, học sinh vi phạm sẽ chỉ bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức như nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh; tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác.
Không rõ tại sao đã có quy định mới mà trường Vĩnh Xương vẫn phê bình học sinh trước cờ để học sinh phản ứng bằng cách cực đoan, nông nổi. Nếu chẳng may học sinh không được phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời, hậu quả của vụ việc sẽ thực sự nghiêm trọng.
Ai cũng biết lứa tuổi học sinh, đặc biệt là các em ở tuổi dậy thì, có tâm lý rất nhạy cảm, phức tạp khi các em muốn thể hiện cái tôi, muốn khẳng định mình, không muốn bị áp đặt, kiểm soát. Do đang ở tuổi hình thành tính cách nên các em dễ mắc sai lầm, dễ phạm lỗi mà nếu giáo viên, nhà trường xử lý cứng nhắc, thiếu tế nhị, các em sẽ hình thành tâm lý bất mãn, bất phục, thách thức, phản ứng cực đoan, dẫn tới vi phạm càng nhiều. Khi đó, kỷ luật đã thành phản tác dụng và không khác gì trừng phạt.
Ngoài kiến thức, điều mà học sinh cần ở thầy cô, nhà trường chính là sự bao dung, sự chỉ bảo như “mẹ hiền” – từ được dùng để mô tả nghề giáo viên.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Môi trường giáo dục, mối quan hệ thầy cô-học sinh hiện nay không còn như xưa mà đã trở nên bình đẳng, tự do hơn, mang tính thị trường hơn. Trong khi học sinh, gia đình, xã hội đòi hỏi giáo viên, nhà trường phải tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, hoàn hảo về học thức, nhân cách để cho học sinh phát triển, thì ở chiều ngược lại, giáo viên và nhà trường cũng cần sự hợp tác, cảm thông của học sinh, gia đình và xã hội.
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thông tư mới cấm đuổi học, cấm kỷ luật học sinh trước lớp, trước trường, dư luận đều đồng tình vì tinh thần nhân văn đối với học sinh. Dù vậy, cũng có một số ý kiến nói rằng ngành giáo dục không cho giáo viên quyền hạn gì cụ thể để kỷ luật học sinh cá biệt ngoài những hình thức chung chung như khiển trách, báo cáo với phụ huynh.
Học sinh thời @ không còn “lành” và dễ bảo như trước, thậm chí có những học sinh mà các thầy cô giáo đành bất lực trong uốn nắn, thừa nhận không thể cải tạo. Để giữ an toàn cho uy tín nghề nghiệp của mình, họ buộc phải nhắm mắt làm ngơ thay vì sử dụng những biện pháp kỷ luật mà nếu làm không khéo, không đúng quy định, họ sẽ là người chịu trận trước phụ huynh và xã hội.
Có thể nói chưa bao giờ nghề giáo viên lại chịu nhiều áp lực từ dư luận như hiện nay. Áp lực tới mức mà kể cả khi có phụ huynh yêu cầu thầy cô phạt con mình, họ cũng không dám làm. Dựa vào cái bóng quyền lực của phụ huynh, một số học sinh không còn coi trọng thầy cô giáo ở mức độ cần phải có.
Những gì mà cô giáo, nhà trường ở An Giang hành xử với học sinh là đáng phê phán, nhưng cách phản ứng tiêu cực của học sinh cũng không phải là điều nên làm. Học sinh hoàn toàn có thể chọn cách khiếu nại hình thức kỷ luật của nhà trường nếu cảm thấy oan ức, không phục. Em cũng có thể trình bày quan điểm với người thân, thầy cô đáng tin cậy để nhờ tư vấn cách giải quyết. Còn nếu ai cảm thấy mình bị oan ức cũng chọn cách phản ứng dại dột như trên, người thiệt hại đầu tiên chính là bản thân và gia đình.
Sự việc ở An Giang là một bài học nữa về hình thức kỷ luật, không chỉ cho ngành giáo dục mà còn cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Suy cho cùng, không ai muốn kỷ luật và bị kỷ luật. Khi buộc phải làm vậy, kỷ luật học sinh cần dựa trên mục đích uốn nắn, thay vì trừng trị.