Cuộc khủng hoảng nợ công như trận “đại hồng thủy” vẫn đang hoành hành ở Khu vực đồng euro (Eurozone). Đã có 5 vị thủ tướng châu Âu phải ra đi, gồm ông Cowen ở Ailen, ông Socrates ở Bồ Đào Nha, ông Radico ở Xlôvakia, ông Papandreou ở Hy Lạp và mới nhất là ông Berlusconi ở Italia. Chấp nhận thất bại, họ buộc phải nhường lại sứ mệnh đầy khó khăn nhưng cũng hết sức cao cả là chèo lái con thuyền kinh tế đất nước cho người kế nhiệm.
Thủ tướng Tây Ban Nha Zapatero cũng tuyên bố sẽ không tái tranh cử trong cuộc bầu cử vào tháng 3/2012 tới. Với uy tín đã bị sứt mẻ khá nhiều do cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, trong trường hợp ra tranh cử tiếp nhiệm kỳ ba, nhiều khả năng ông Zapatero sẽ trở thành người thứ 6 phải ra đi vì trận “đại hồng thủy” này.
Trong cơn “đại hồng thủy”, điều mà người dân các quốc gia Eurozone cần là một bộ máy lãnh đạo đủ khả năng đưa đất nước thoát khỏi tình cảnh khó khăn. Vì thế, không khó hiểu khi sau sự sụp đổ của một loạt các chính phủ gồm các chính trị gia, mô hình chính phủ kỹ trị có dấu hiệu lên ngôi. Rõ ràng nhất là tại Italia, sau khi tân Thủ tướng Mario Monti công bố nội các mới, gồm một loạt các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực được phân công và hầu như không có đại diện của các chính đảng, dư luận đã có phản ứng rất tích cực. Người dân hy vọng các nhà kỹ trị sẽ tận dụng được thế mạnh của mình để cứu con thuyền kinh tế đất nước thoát khỏi trận “đại hồng thủy” nợ công.
Tất nhiên, các nhà lãnh đạo kỹ trị sẽ phải tìm cách tái cơ cấu nền kinh tế, và dù nỗ lực đến đâu thì cũng vẫn phải tiến hành các biện pháp khắc khổ. Điều quan trọng là họ sẽ đưa ra các liều thuốc đắng đến mức nào để người dân có thể chấp nhận. Các gói cứu trợ đi kèm những điều kiện quá khắc nghiệt của châu Âu nhằm hạn chế rủi ro đang khiến người dân Hy Lạp nghẹt thở và một trong những hệ quả là sự ra đi của ông Papandreou. Sự hợp tác của các nhà hoạch định chính sách khu vực với các chính phủ và sự đồng thuận của người dân là điều kiện quan trọng để Eurozone có thể chặn đứng cuộc khủng hoảng nợ công này.
Tất cả các quốc gia nói trên đều đang tồn tại với tư cách là một phần trong liên minh tiền tệ thống nhất, sự sụp đổ của một mắt xích ắt sẽ gây hiệu ứng dây chuyền. Kết cục tồi tệ nhất là sự tan rã hoàn toàn của Eurozone, liên minh từng là kiểu mẫu cho tiến trình hội nhập và liên kết trên thế giới. Đây là một tình huống nguy hiểm không chỉ với riêng Eurozone mà với toàn bộ kinh tế toàn cầu.
Cẩm Tuyến