Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến rộng rãi trước khi áp dụng triển khai đại trà vào năm 2018.
Chương trình được xây dựng trên quan điểm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo hướng chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, chương trình có tính khả thi cao bởi nó tiếp cận được xu thế của nền giáo dục tiên tiến.
Theo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, giáo dục phổ thông sẽ được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Học sinh học hết trung học cơ sở, có thể lựa chọn nghề nghiệp mà không cần phải học trung học phổ thông. Những học sinh học lên trung học phổ thông sẽ chỉ còn học bắt buộc 4 môn: Toán, Ngữ văn, Công dân với Tổ quốc và Ngoại ngữ. Ngoài ra, học sinh được tự chọn tùy ý và tự chọn trong nhóm các môn học theo đúng định hướng nghề nghiệp của mình. Như vậy, học sinh sẽ được phân hóa rất rõ theo luồng học nghề về làm thợ và học tiếp lên đại học. Tính ưu việt của chương trình là hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực chung chủ yếu: Năng lực tự học; Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; Năng lực thẩm mỹ; Năng lực thể chất; Năng lực giao tiếp; Năng lực hợp tác; Năng lực tính toán; Năng lực công nghệ thông tin và truyền thông.
Có thể nói, nền giáo dục nước nhà đang trong quá trình thay đổi về chất nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập, phát triển đất nước. Có một thực tế mà ai cũng thấy là con em của chúng ta đang phải học chương trình quá nặng và chịu áp lực học hành một cách ghê gớm. Chúng phải chạy đua học ở lớp, ở nhà, học thêm… nhắm tới mục tiêu là phải vào được đại học. Nhiều phục huynh học sinh coi đại học là con đường duy nhất nên cố đầu tư cho con ôn luyện, thi cử để đạt được mục đích. Cũng vì mục tiêu đó mà phụ huynh gây áp lực với con em mình.
Nhiều chuyên gia giáo dục, phụ huynh nhận định, nếu chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thông qua, học sinh sẽ được hưởng lợi nhiều, đặc biệt là việc giảm nhồi nhét kiến thức. Đây cũng là định hướng quan trọng mà ngành Giáo dục đào tạo đề ra trong việc triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Dẫu được dư luận đồng tình, nhưng cũng có ý kiến băn khoăn, thậm chí hoài nghi về tính khả thi của dự thảo. Vấn đề được quan tâm nhiều nhất là sự đổi mới này đến đâu, hiệu quả mang lại như thế nào, cách thức, cơ chế vận hành ra sao? Cần phải thấy rằng, bất kỳ lĩnh vực nào trong đời sống xã hội, khi một chủ trương nào ra đời, chưa được kiểm chứng, sẽ không khỏi có những ý kiến phản biện, thậm chí trái chiều. Nhưng cũng rất lạc quan, cả xã hội luôn nung nấu với sự nghiệp đổi mới giáo dục, nên sẵn sàng ủng hộ cho cái mới, ý tưởng mới ban đầu.
Tuy nhiên, để chương trình có tính khả thi, trước hết ngành Giáo dục đào tạo cần có kế hoạch cụ thể trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục. Việc cần phải làm trước tiên là cần có sự thay đổi trong công tác đào tạo cho giáo viên. Thay vì chỉ chú trọng vào bằng cấp như hiện nay, giáo viên cần được đào tạo, bồi dưỡng theo chuẩn nghề nghiệp, theo hướng đủ năng lực để dạy tích hợp, liên môn để phù hợp với sự đổi mới.