Lật lại trách nhiệm lát đá vỉa hè

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa yêu cầu các quận, huyện tạm dừng dự án lát đá vỉa hè mới, đồng thời làm rõ trách nhiệm và xử lý những nơi làm sai chủ trương của thành phố.

Đây được xem là một quyết định đúng đắn của người đứng đầu chính quyền thành phố, mặc dù có phần hơi muộn. Nói hơi muộn là vì nhiều người dân đã kịp xót xa khi chứng kiến những đoạn vỉa hè gạch block còn tốt nguyên đã bị lật lên để thay, và thậm chí cảm thấy mất niềm tin khi những viên đá mới lát được nói là “có độ bền 50-70 năm” nhưng mới qua thời gian ngắn đã bị bong tróc, vỡ nát.

Câu chuyện vỉa hè từ lâu đã bị gắn với nhiều định kiến tiêu cực: Làm để giải ngân, lãng phí ngân sách, thi công ẩu, bớt xén nguyên vật liệu… Những định kiến này không phải không có căn cứ khi mà thời điểm thi công thường rơi vào cuối năm hay trước các dịp lễ lạt. Chất lượng nền và gạch lát quá lắm chỉ vài năm là xuống cấp hoặc hỏng hóc, trong khi ở các công trình xây dựng tư nhân một chiếc sân gạch thường có độ bền hàng chục năm. Rất nhiều nơi đơn vị thi công làm ẩu, chỗ lồi chỗ lõm, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Nhiều vị trí quanh gốc cây, trạm điện không đảm bảo mỹ quan, cắt xén cả vào rễ cây xanh. 

Những phiến đá mới lát đã bị bong tróc, nứt vỡ. Ảnh: Lê Phú


Theo văn phòng UBND thành phố Hà Nội, chủ trương của thành phố là chỉ triển khai trên các tuyến vỉa hè bị xuống cấp, nhưng qua kiểm tra đã phát hiện có nơi gạch cũ vẫn đang tốt. nhiều tuyến vỉa hè còn nguyên vẫn bị lật lên lát lại. “Chúng ta cứ làm vào dịp cuối năm và làm chất lượng rất thấp”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thừa nhận.

Tất nhiên, vỉa hè nhanh xuống cấp ngoài khâu thiết kế, thi công còn có nhiều lý do khác. Thay vì chỉ phục vụ người đi bộ như ở các nước có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, vỉa hè ở ta còn phải “gánh” nhiều chức năng khác: Là nơi buôn bán, mưu sinh của người dân, là nơi đặt các hệ thống cáp ngầm, viễn thông, trụ điện, nơi trông giữ xe máy, ô tô... 

Nhưng không thể viện những lý do trên để đổ lỗi cho sự xuống cấp quá chóng vánh của những phiến đá “có độ bền 50-70 năm”. Luật xây dựng và các văn bản dưới luật đều có quy định rất chặt chẽ liên quan đến thi công các công trình công cộng như vỉa hè. Đá phải có đủ độ dày bao nhiêu, phẩm cấp như thế nào để đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, thẩm mĩ. Quá trình lập dự án phải có thiết kế, tư vấn và phải trải qua các khâu thẩm định, giám sát, nghiệm thu để đảm bảo các yêu cầu về chất lượng công trình, hiệu quả kinh tế, hiệu quả khai thác.

Bước đầu thành phố đã xác định một số quận, huyện “hiểu sai” ý kiến chỉ đạo về chủ trương nên đã tiến hành thay gạch, lát đá ở cả những đoạn vỉa hè chất lượng còn tốt. Tới đây, thành phố cần tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan tại những nơi vừa thay đá mới đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Sai từ cơ quan chức năng hay từ nhà thầu? Sai ở khâu thiết kế hay ở khâu thi công, giám sát? Nếu cơ quan chức năng sai phải có người chịu trách nhiệm giải trình. Nếu nhà thầu sai thì phải tự bỏ tiền túi để khắc phục. Việc hiểu sai ý kiến chỉ đạo cũng cần chỉ đích danh người hiểu sai. 

Vỉa hè là công trình người dân ai cũng nhìn thấy hàng ngày, vì vậy sự giám sát của cộng đồng là một yếu tố rất quan trọng. Hà Nội có thể lập đường dây nóng tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân với những nơi làm không đúng chủ trương, thi công ẩu, gây khó khăn cho đi lại, sinh hoạt. Rất may là Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã có yêu cầu tạm ngừng thi công để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và xử lý những sai phạm nếu có. Nếu việc lát đá vỉa hè được làm tốt trong thời gian tới, Hà Nội sẽ lấy lại được niềm tin của người dân về các công trình được đảm bảo thi công đúng chất lượng, đúng tiến độ.

Lê Vũ Hội
Hàng loạt vỉa hè Hà Nội lát đá bị sụt lún, nứt vỡ
Hàng loạt vỉa hè Hà Nội lát đá bị sụt lún, nứt vỡ

Bong tróc, mấp mô, sụt lún, nứt vỡ là những gì trên các con phố, vỉa hè được lát đá tại một số quận nội thành Hà Nội sau một thời gian đưa vào sử dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN