Theo thông tin của UBND Thành phố Nha Trang, ngày 5/4, một nữ sinh Trường tiểu học Vĩnh Tường, phường Vĩnh Tường đã tử vong trên đường đưa đi cấp cứu trong khi 19 học sinh khác phải nhập viện điều trị với cùng triệu chứng đau bụng, nôn ói, đau đầu. Cùng ngày, 9 học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo cùng ở phường Vĩnh Tường cũng xuất hiện triệu chứng nôn ói, bụng đau, đau đầu và được chuyển tới các cơ sở y tế thành phố để theo dõi. Theo thông tin ban đầu, vào sáng 5/4, các em đã ăn nhiều món khác nhau tại các quán ăn, người bán hàng rong bên ngoài trường và nghi bị ngộ độc. Trước đó vào tối 4/4, hàng chục học sinh Trường THCS Tân Châu, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã phải nhập viện vì đau đầu, đau bụng, buồn nôn và khó thở sau khi chia nhau ăn kẹo mua trước cổng trường.
Vấn đề xảy ra ở Nha Trang, Lâm Đồng và trước đó ở nhiều địa phương khác một lần nữa khiến chúng ta bất an về đồ ăn vặt ngoài cổng trường.
Dạo quanh một loạt các trường ngay tại thủ đô Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh tụ tập thành nhóm mua quà vặt. Những thứ các em thường mua là nem chua, tăm cay, xúc xích… không có nhãn mác, hoặc có thì phần ngày hết hạn bỏ trống hay dập nhoè nhoẹt. Thậm chí, các em còn ăn cả “xiên bẩn” (viên chiên, không nhãn mác, nguồn gốc, giá chỉ khoảng 2.000 đồng) và nhiều con đã bị đau bụng, tiêu chảy khi ăn món ăn này.
Và thế là thỉnh thoảng lại rộ lên chuyện học sinh trường này ở địa phương kia bị ngộ độc thực phẩm, thậm chí là ngộ độc chất cấm có trong đồ ăn, thức uống. Mỗi lần như vậy, cơ quan chức năng lại vào cuộc, văn bản này, thông báo kia lại được đưa ra, nhưng những quán ăn vặt, hàng rong vẫn bủa vây cổng trường còn nhiều em học sinh vẫn vây quanh những quán hàng đó.
Chuyện xảy ra ngoài cổng trường, trường học khó có thể can thiệp, nhưng các cơ quan chức năng về an toàn vệ sinh thực phẩm, trật tự xã hội thì hoàn toàn có thể. Việc này là hết sức cần thiết bởi ở độ tuổi còn đi học, các em chưa đủ hiểu biết và kinh nghiệm để phân biệt thực phẩm sạch - bẩn, càng không có khả năng nhận biết đồ ăn, thức uống đó có bị trộn chất cấm, chất gây nghiện hay không. Nếu cơ quan chức năng hành động kiên quyết, thường xuyên kiểm tra xử lý nghiêm khắc vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm và hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi bán hàng thì tình trạng quán hàng bán “xiên bẩn”, tăm cay, nem chua, xúc xích… quá date, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng… gây mất trật tự công cộng chắc chắn sẽ giảm mạnh.
Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cần phải phối hợp để tăng cường nhận thức, ý thức về tác hại của việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, coi đây là hoạt động thường xuyên liên tục, không phải cứ có vụ việc mới phát đi thông báo. Các bậc phụ huynh không nên “khoán trắng”, cho con tiền tự mua đồ ăn sáng hay quà vặt. Thay vào đó, các gia đình nên bố trí cho con ăn uống ở nhà đầy đủ và chuẩn bị đồ ăn nhẹ cho con sử dụng trong giờ nghỉ. Tốt nhất cha mẹ cùng còn chuẩn bị đồ ăn nhẹ vừa tăng tương tác, vừa có được đồ hợp với trẻ.
Về phía nhà trường, công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm nên đi vào thực chất. Thay vì cách nói chung chung, nên để học sinh “trải nghiệm thực tế” thông qua việc cho các em tận mắt nhìn thấy đống vi khuẩn trên thực phẩm bẩn ngoài cổng trường trên kính hiển vi trong giờ sinh học hay dùng hình ảnh, sản phẩm thật giúp chúng nhận biết đâu là hàng quá date, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng… trong các hoạt động giáo dục kỹ năng sống lồng ghép vào các môn học. Nếu điều kiện cho phép, nhà trường có thể mở căng tin trong trường nhằm cung cấp quà vặt chất lượng cho học sinh.
Học sinh cần phát triển cả về trí tuệ lẫn thể chất và có lẽ tốt nhất là để trí tuệ “dẫn đường” các em học sinh tới những món quà vặt góp phần xây dựng thể chất khoẻ mạnh. Đồng thời, vì thế hệ tương lai khoẻ mạnh, chúng ta cũng cần nỗ lực hơn nữa để loại bỏ nguy cơ gây bệnh cho các em ngay từ cổng trường.