Tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, người dân xã Nậm Nhừ vẫn chưa hết bàng hoàng sau cơn lũ dữ mà hơn nửa thế qua họ chưa từng gặp. Chỉ trong phút chốc, dòng lũ dữ đêm 16, rạng ngày 17/8/2020 đã cuốn phăng hàng chục ngôi nhà, trường học, công trình dân sinh, thiệt hại về kinh tế-xã hội chưa thể thống kê. Công trình ngầm Nậm Nhừ bị lũ cuốn trôi, khiến hàng trăm hộ dân ở bản Nậm Nhừ bị chia cắt.
Thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan. Biến đổi khí hậu cùng với những tác động xấu do con người gây ra với thiên nhiên, môi trường khiến lũ quét, sạt lở đất ở nước ta ngày càng gia tăng và khó dự báo.
Không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải hứng chịu thảm họa tang tóc của biến đổi khí hậu. Cách đây chưa lâu, một trận lụt chưa từng có trong nửa thế kỷ qua nhấn chìm cả thành phố Hồ Bắc (Trung Quốc).
Trước khi dòng nước lũ cuồn cuộn tràn về Hồ Bắc, là các trận bão ngày mạnh hơn ở Philíppin, là những đợt sạt lở đất làm sập nhiều ngôi nhà cao tầng ở Trung Quốc; hay những trận lũ lụt hoành hành ở Trung Mỹ,... Thiên tai đã gây ra những thảm họa khủng khiếp mà con người phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ để khắc phục hậu quả.
Tràn ngập trên báo chí, mạng xã hội những ngày gần đây không chỉ là những con số xót lòng về số người chết, mất tích, về thân phận con người sau cơn lũ dữ, mà những hình ảnh, clip về sức cuồng phá của cơn lũ đã gây ấn tượng khủng khiếp cho nhiều người. Chỉ trong tích tắc, nhà cửa, trường học, cầu cống, đường sá cùng nhiều tài sản mà nhiều gia đình chắt chiu tích góp bao năm trong phút chốc đã bị lũ dữ cuốn trôi.
Ở Việt Nam, trong nhiều năm trở lại đây, người dân các tỉnh miền núi phía Bắc liên tục phải hứng chịu của những trận lũ ống, lũ quét. Lũ ống, lũ quét thường gây sạt lở đất, lở núi, gây hậu quả khó lường.
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là ở những vùng có độ dốc lớn, sông suối hẹp, người dân thường bám theo các con suối để sinh sống thì hậu quả do lũ quét gây ra càng nghiêm trọng hơn. Còn nhớ, trận lũ quét vào tháng 8 năm 2008 đã xóa sổ một ngôi làng ở thôn Tùng Chỉn, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai làm 19 người thiệt mạng. Gần nhất là những ngày cuối tháng 7 vừa qua, trận lũ lớn ập đến bất ngờ ở thành phố Hà Giang và nhiều địa phương khác của tỉnh Hà Giang cũng trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người.
Không riêng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, mà ở miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, lũ ống, lũ quét cũng diễn ra bất thường, gây thiệt hại nặng nề về người và nhà cửa của người dân. Một khi rừng, lá chắn sống của thiên nhiên bị con người rút ruột, thì những cơn cuồng nộ của thiên nhiên là hậu quả nhãn tiền.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần đây cho thấy, cả nước hiện có hơn 14.377.0 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 10.242.140 ha, rừng trồng hơn 4.135.500 ha. Nhưng ai cũng biết rất rõ là diện tích rừng tự nhiên ngày càng suy giảm và chất lượng rừng cũng ở mức đáng báo động. Thực tế, diện tích rừng trồng không tăng tương ứng, cả về diện tích lẫn chất lượng che phủ.
Người dân phá rừng làm nương rẫy, lâm tặc thì hủy hoại rừng lấy gỗ. Phát triển thủy điện tùy tiện cũng gây ra những hệ lụy cho người dân vùng hạ lưu.
Lũ quét, sạt lở đất không còn là lời cảnh báo nữa, mà là sự nổi giận của thiên nhiên và con người đã phải gánh chịu thảm họa. Những trận lũ quét, lũ ống xảy ra trong năm nay, có ai dám chắc, năm sau và nhiều năm về sau nữa sẽ không lập kỷ lục mới?
Thiên nhiên ngày càng hung hãn, mức độ thiệt hại mà nó gây ra cho cuộc sống con người cũng ngày càng tàn khốc hơn. Trái đất đã hào phóng ban cho con người một hệ sinh thái để duy trì sự sống. Nhưng con người đã đáp lại sự hào phóng ấy bằng việc khai thác ồ ạt tài nguyên thiên nhiên, thải ô nhiễm vào đất đai, sông ngòi và bầu khí quyển... Chính hành động thiếu ý thức của con người đã gây ra thảm họa thiên tai. Các hiện tượng thời tiết bất thường, nhiệt độ tăng cao, băng tan, mực nước biển dâng, mưa lũ, bão lốc, giông tố, đang không ngừng gia tăng cả về số lượng và sức mạnh. Hậu quả là dịch bệnh, mất mùa, mất nơi ăn chốn ở, thiếu đất canh tác, suy giảm đa dạng sinh học... đang gây ra những hệ lụy khó lường mà con người phải oằn mình gánh hậu quả.
Để ngăn chặn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đã có những cảnh báo như cần quan tâm đến việc trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn; xây hồ điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét; khai thông các đường thoát lũ với việc điều tra, lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét; quy hoạch bố trí dân cư hợp lý, xây dựng chương trình tổng thể phòng tránh lũ quét, sạt lở đất một cách đồng bộ... Nhưng thế chưa đủ, vấn đề đặt ra là phải tạo được ý thức bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, tinh thần chủ động phòng chống thiên tai của nhiều cấp, ngành, chính quyền các địa phương, người dân ở các địa bàn thường xảy ra lũ ống, lũ quét.