Một trong những thương vụ gây xôn xao dư luận liên quan đến việc công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, doanh nghiệp kinh tế của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, đã chuyển nhượng hơn 32 ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho doanh nghiệp tư nhân với giá "bèo bọt” 1,29 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường tại khu vực này thấp nhất cũng ở mức 15 triệu đồng/m2.
Hay trong vụ bán rẻ gần 5.000m2 của khu “đất vàng” tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM, Thanh tra Chính phủ đã kết luận khu đất này có lợi thế đặc biệt về thương mại, nếu đấu giá thành công có thể thu về ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng. Trong khi UBND thành phố lại chấp thuận cho một công ty sử dụng khu “đất vàng” này để làm dự án khách sạn 5 sao, với giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất tại đây chỉ gần 650 tỷ đồng.
Điểm chung của các vụ việc trên đây là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do chính quyền địa phương được giao đại diện quản lý, đã được chuyển nhượng một cách mập mờ cho tư nhân với giá rẻ mạt, theo cách không công khai, không tuân thủ theo quy luật thị trường, do đó gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Tài sản công thường có giá trị rất lớn do được hình thành và tích lũy qua nhiều thời kỳ. Khối lượng tài sản công của mỗi quốc gia được ước tính thường gấp bốn lần GDP. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tài sản công là nền tảng, là vốn liếng để khôi phục và xây dựng kinh tế chung, để làm cho dân giàu, nước mạnh, để nâng cao đời sống nhân dân”. Vì lẽ đó, tài sản công trên hết phải được khai thác để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, phục vụ cho sự phát triển của quốc gia.
Trong những năm qua, các chính sách pháp luật liên quan đến quản lý công sản ở nước ta đã không ngừng được hoàn thiện, tạo lập một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho lĩnh vực này. Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản quy định chế độ quản lý, sử dụng tài sản. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với các tài sản có giá trị lớn, sử dụng phổ biến tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 (sửa đổi) đã quy định rõ: Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng. Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Thế nhưng, trên thực tế, tài sản công vẫn bị thất thoát qua các vụ giao dịch tay trong, đi đêm giữa các bên, chuyển nhượng trái phép, bán chỉ định… Để làm được điều đó, các cán bộ đại diện cho Nhà nước được giao quản lý hoặc đã không làm tròn chức trách, hoặc cố tình vi phạm bằng cách bưng bít thông tin, dấm dúi sử dụng, khai thác, mua bán. Công sản thuộc sở hữu toàn dân, nhưng dường như người dân vẫn phải đứng ngoài cuộc trong tất cả các khâu liên quan đến quy trình quản lý và sử dụng loại tài sản đặc biệt này. Thậm chí ngay cả các tổ chức đoàn thể trong cơ quan xảy ra vi phạm nhiều khi còn khó nắm được các vi phạm này để ngăn chặn, tố cáo.
Luật đã quy định rõ. Nhưng chừng nào các cơ quan, đơn vị còn chưa công khai đầy đủ, cụ thể về tình trạng và quy mô của tài sản công do mình quản lý, sử dụng; việc chuyển nhượng không qua đấu giá theo đúng quy định, thủ tục, thì chừng đó sẽ vẫn còn các vụ bán rẻ tài sản công, gây thiệt hại cho nguồn lực quốc gia.