Điều diễm phúc đối với tôi là khi cất tiếng khóc chào đời thì đất nước ta đã có Đảng lãnh đạo được hơn 10 năm. Nhờ có Đảng mà đứa trẻ xuất thân từ một gia đình lao động nghèo ở một vùng quê không lấy gì làm trù phú lắm đã được lớn lên trong bầu không khí độc lập, tự do, được sống, được học hành và được nuôi dưỡng thành người.
Đến khi trưởng thành, biết suy nghĩ đúng đắn, tôi đã đem hết sức lực và trí tuệ của mình ra cống hiến cho nhân dân và đất nước, chỉ mong đền đáp được một phần nhỏ bé so với công lao mà Đảng và cách mạng đã mang lại cho bản thân và gia đình mình. Nay tôi đã 75 tuổi, đã công tác liên tục hơn 50 năm mới nghỉ hưu và cũng đã nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Vậy mà mỗi khi đến ngày 3/2 hàng năm, chứ chưa nói là dịp kỷ niệm trọng đại 85 năm thành lập Đảng như năm nay, lòng tôi vẫn cứ thấy rưng rưng xúc động nhớ tới Bác Hồ, tới các bậc cách mạng tiền bối, các đàn anh, đàn chị đi trước, các anh hùng, chiến sĩ, đồng chí, đồng bào trong đó có cả cha, anh tôi, đã cống hiến và đóng góp biết bao công sức, thậm chí đã hy sinh cả tính mạng, cho đất nước và dân tộc ta, trong đó có cả ga đình và chính bản thân tôi.
Khi còn trẻ, tôi đã may mắn được gặp Bác Hồ nhiều lần, được chụp ảnh với Bác cũng không ít và rất vinh dự là đã có lúc được là “học trò thực sự” của Bác tại lớp học đầu tiên dành riêng cho các Đảng viên trẻ do Trung ương Đảng và Thành ủy Hà Nội tổ chức tại Trường cấp III Chu Văn An vào năm 1966, được Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng đến trực tiếp giảng bài.
Tôi không sao quên được những kỷ niệm và những hình ảnh hồi ấy của Bác. Tôi còn được nghe trực tiếp từ bác Phạm Văn Đồng, đồng chí Vũ Kỳ, đồng chí Việt Phương… nói nhiều về Bác và các tấm gương khiêm tốn, giản dị, cần kiệm, liêm chính của Bác.
Tôi cũng đã đọc những mẩu chuyện do các đồng chí đã từng phục vụ và giúp việc cho Bác kể lại trong một cuốn sách do Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành. Vì những lẽ đó mà tôi cứ bùi ngùi mỗi khi nhớ đến những năm tháng Bác còn là một thanh niên rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước đã phải làm mọi việc, từ đốt lò, phụ bếp đến rửa, dọn bát đĩa, lênh đênh trên tàu khắp đó đây trước khi đặt chân lên nước Pháp.
Tại Thủ đô Paris hoa lệ, để tìm đường đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng vô sản, Bác đã phải làm đủ mọi việc: viết báo, làm ảnh, vẽ tranh, lăn lộn trong phong trào cách mạng của nhân dân Pháp và những người lao động từ các nước thuộc địa của Pháp tới Paris. Chắc chắn những ngày ấy Bác đã sống rất kham khổ và tằn tiện.
Chỉ riêng việc đêm đêm Bác phải bọc một viên gạch nóng vào trong chăn để chống chọi với cái giá lạnh của mùa đông châu Âu đã nói lên tất cả sự kham khổ ấy. Rồi những ngày Bác sang Liên Xô tìm gặp Lênin nhưng người đã qua đời trước đó, chắc rằng sứ sở Bạch Dương lúc đó mới qua mấy năm sau Cách mạng Tháng 10 cũng chẳng dành cho Bác được những ngày sung sướng về vật chất. Rồi lại chặng đường dài từ Nga sang Trung Quốc, xuống Vũ Hán, Quảng Châu rồi sang Thái Lan hoạt động, Bác cũng gặp nhiều gian nan và nguy hiểm. Bác cũng phải nếm trải những ngày tháng giam cầm, tra khảo, hành hạ trong các nhà tù của Tưởng Giới Thạch và đế quốc Anh.
Khi về đến nước nhà, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc sống ở hang Pắc Pó, đêm đêm nằm ngủ trên nền đất trải ván bên cạnh đống lửa cho đỡ bớt cái rét cắt da, cắt thịt của mùa đông trên núi rừng biên giới. Ngày ngày Bác cũng chỉ ăn khoai, ăn sắn, ăn măng, ăn bắp cùng với đồng bào các dân tộc thiểu số. Khi đó, quần áo của Bác cũng không đủ. Có ai cầm được nước mắt khi thấy Bác trên đường đi công tác, trên mình chỉ mặc vẻn vẹn một chiếc quần đùi (xà lỏn), trên vai thì các một cây gậy dài, hai đầu phơi quần áo cho chóng khô để mặc.
Cả đến khi hòa bình lập lại năm 1954 trở về Thủ đô, Bác vẫn giữ nếp sống thanh bạch, giản dị và gần gũi với nhân dân như những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Dù đi đâu Bác cũng chỉ mặc một bộ bà ba màu gụ như bất cứ người dân nông dân nào, chân đi đôi dép lốp cao su. Trừ khi phải tiếp khách quan trọng, Bác mới mặc bộ quần áo kaki đã bạc màu. Tới đâu, Bác cũng có thể xắn quần lội ruộng với nông dân, thăm lúa, đạp con nước hay cùng ăn ngô, ăn khoai với những người lao động. Khi qua đời, tài sản riêng của vị Chủ tịch nước cũng chẳng có gì đáng giá ngoài mấy bộ quần áo đã cũ, một đôi dép lốp, một cái giường cá nhân, một cái đệm mỏng, trên phủ một tấm ga đã sờn, một cái gối vải thô, một chiếc quạt lá cọ và một cái đài điện nhỏ, đã cũ…
Kể về Bác thì còn nhiều lắm. Kể về những tấm gương anh dũng, quên mình của các đảng viên tiền bối, các anh hùng, chiến sĩ và đồng bào ta thì không có giấy bút nào tả hết được. Nhưng chỉ có một điều mà bất kỳ một người Đảng viên, cán bộ, chiến sĩ hay công dân chân chính nào của nước Việt cũng phải tự hỏi là tại sao Bác Hồ và Đảng đã rèn luyện, đã dạy dỗ chúng ta nhiều như thế mà ngày nay xung quanh chúng ta lại nảy nòi ra những người tuy bên ngoài vẫn khoác áo cán bộ, Đảng viên, thậm chí là cán bộ Đảng viên cao cấp, mà lại thoái hóa, suy đồi và sa đọa đến thế?
Số này so với hơn 90 triệu đồng bào ta thì không nhiều. Nhưng chúng cũng không phải là ít. Tôi dùng từ “chúng” ở đây vì số này đâu còn là đồng chí, là người cùng lý tưởng với chúng ta nữa. Vì chúng sẵn sàng sống trên đầu, trên cổ nhân dân, sẵn sàng vơ vét của đất nước, tham nhũng và trộm cắp của nhân dân, thậm chí của những người nghèo khổ , người tàn phế, bệnh tật, người dân tộc thiểu số để làm giàu cho bản thân chúng và gia đình chúng.
Chúng vô ơn, thờ ơ quay lưng lại với cả những người dân hiền lành đã cưu mang, nuôi nấng, cứu sống chúng. Chúng đua nhau xây biệt thự, lập trang trại, dựng nhà thờ, lăng tẩm cho gia đình và bản thân. Chúng ăn chơi phè phỡn trong các khách sạn sang trọng, nhà hàng, trên các bàn tiệc mà ở bên ngoài hay xung quanh đầy rẫy những người già, tàn phế, trẻ em ăn xin hoặc cố bán những tấm vé số, kiếm sống qua ngày.
Chúng trắng trợn cướp bóc đất đai, ruộng vườn của dân bằng nhiều thủ đoạn và mánh khóe vì đấy là những món lợi mà chúng không thể bỏ qua. Chúng kết bè, kéo cánh thành băng, thành hội, thành đường dây, thành các nhóm lợi ích quỷ quyệt và tham lam, tàn ác. Để che đậy tội ác, chúng còn dạy đời, “chém gió” trước công chúng.
Miệng thì chúng luôn bảo người khác phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, còn chúng thì làm khác với Bác. Vì vậy, chúng ta phải làm nhiều việc, phải đấu tranh lâu dài và gian khổ như tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã chỉ rõ, làm cho Đảng ta thực sự vững mạnh, trong sạch, ưu tú để lấy lại lòng tin và sự tín nhiệm của nhân dân, lãnh đạo đất nước tiến lên không ngừng.
Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng quang vinh, không có việc làm nào thiết thực và cụ thể bằng mỗi Đảng viên, mỗi cán bộ của Đảng, mỗi chi bộ, mỗi tổ chức Đảng… đều phải lấy tấm gương đạo đức cách mạng của Bác, những việc làm cao đẹp của các vị tiền bối, các anh hùng, chiến sĩ, đồng bào để soi rọi vào bản thân mình và tổ chức mình. Mỗi Đảng viên phải tự vấn mình xem đã làm đúng những lời mình đã tuyên thệ khi gia nhập Đảng hay chưa? Cán bộ Đảng viên chức càng cao, càng phải làm gương và làm quyết liệt hơn.
Hồ Đông Ngàn