Ví von thế quả thật không hề sai vì đó là điều mà ai sống ở Hà Nội cũng thấy và ít nhiều đều bị ảnh hưởng. “Mùa lát đá vỉa hè” lặp đi lặp lại nhiều năm nay, năm nào cũng khiến báo chí tốn giấy mực rồi đâu lại vào đó. “Mùa lát đá vỉa hè” là thứ “đặc sản” dường như chỉ có ở Hà Nội, vì không thấy dân các thành phố khác kêu chuyện lát đá vỉa hè như người ở Hà Nội.
Cuối năm 2016, thành phố Hà Nội ban hành quy định mới về chỉnh trang, cải tạo hè phố. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu thay gạch truyền thống bằng đá tự nhiên có độ bền lên tới 70 năm để lát vỉa hè tại khoảng 900 tuyến đường thuộc 12 quận nội thành.
Từ đó tới nay, không rõ lý do cụ thể là gì (vì chậm triển khai hay vì giải ngân) mà cứ chỉ khi sắp đến Tết, chỉ khi nhu cầu đi lại tăng cao, thì vỉa hè mới bị cày xới ồ ạt, đào lên hàng loạt để thay gạch lát. Trong khi đó, công việc này có thể được triển khai rải đều cả năm để tránh quá tải, tránh biến vỉa hè Hà Nội thành đại công trường nham nhở gạch vữa, cát sỏi.
Ai sống và kinh doanh ở nhà mặt phố mới hiểu rõ sự bất tiện và nỗi khổ khi vỉa hè trước cửa nhà mình, cửa hàng mình trở thành công trường xây dựng. Nếu đơn vị thị công làm nhanh chóng, gọn gàng thì còn đỡ. Nếu họ làm ẩu và kéo dài thời gian thì việc đi lại quả là cực hình. Tôi có người quen thậm chí còn nghĩ tới chuyện chuyển sang chung cư ở cho thoát khỏi cảnh vỉa hè trước nhà thường xuyên bị đào bới, lúc thì làm lại cống, lúc thì lát lại đá…
Ai thường xuyên đi bộ trên vỉa hè (mà tôi là một người trong số đó) thì mới hiểu người đi bộ chỉ cần một vỉa hè sạch sẽ, an toàn, không chướng ngại vật là đủ. Họ không quá coi trọng việc vỉa hè lát bằng gạch truyền thống cũ cũ hay đá “xịn” sáng láng.
Vậy nhưng, những người có trách nhiệm và đơn vị thi công không hiểu, mà chính xác là không quan tâm tới điều đó. Họ chỉ mong sao hoàn thành dự án để lấy được tiền về. Nếu chỉnh trang hè phố ở những đoạn xuống cấp thì đã đành, có những đoạn vỉa hè “đang yên đang lành”, bỗng chốc bị lật hết gạch lên, bị ép phải thay áo mới.
Đó là chưa nói tới việc những đoạn vỉa hè được lát đá 70 năm nhưng chỉ 2, 3 năm sau, khi dự án còn chưa kết thúc đã bị bong tróc, nứt vỡ (ví dụ như ở đường Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Chí Thanh…). Chắc chắn những đoạn vỉa hè này không sớm rồi muộn cũng sẽ bị bóc lên, thay mới. Và cái vòng luẩn quẩn như vậy cứ lặp đi lặp lại: vỡ, lát lại, lại vỡ, lại lát.
Tất nhiên, không phải mọi vỉa hè ở Hà Nội đều bị thi công ẩu. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, vì sao cũng cùng làm đúng quy trình, thiết kế mẫu của Sở Xây dựng Hà Nội, nhưng có quận làm tốt, có quận chưa. Đồng chí lấy ví dụ dự án lát đá quanh Hồ Gươm, lát đá tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình được làm rất tốt. Bí thư Hà Nội yêu cầu cẩn trọng từ khâu chọn đá, thi công đồng bộ, không làm manh mún. Đặc biệt, đồng chí Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội tăng cường hướng dẫn, kiểm tra về nghiệp vụ, quy trình lát đá hè.
Như vậy, nhìn bề ngoài, có thể nói thực trạng cải tạo vỉa hè ở Hà Nội gây bức xúc một phần là do kế hoạch không đồng nhất ở các khu vực, một phần là do thời điểm thực hiện không phù hợp, một phần là do khâu quản lý và giám sát bên thi công còn bị buông lỏng.
Tuy nhiên, còn một nguyên nhân nữa khiến câu chuyện “mùa lát đá vỉa hè” cứ lặp đi lặp lại. Đó là vì người ta mới chỉ quan tâm tới hình thức bên ngoài của vỉa hè mà không quan tâm tới tính năng sử dụng của nó.
Vỉa hè để làm gì và dành cho ai? Câu trả lời hiển nhiên là vỉa hè là để đi bộ và tất nhiên là dành cho người đi bộ. Vậy nhưng, khi nhìn thực trạng hiện nay, có ai dám khẳng định vỉa hè là của người đi bộ? Người nước ngoài rất dễ nghĩ vỉa hè ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là để bán hàng quán, là bãi để xe, là con đường mà xe máy lao lên đi mỗi khi tắc đường.
Nếu vỉa hè chỉ làm mỗi việc của nó là cõng trên lưng người đi bộ thì công việc của nó nhẹ nhàng biết bao. Nó cũng không cần người ta phải “thay áo” hàng năm làm gì vì “áo” dù là hàng rẻ tiền nhưng vẫn tươm tất, không thể bị rách dưới gót chân của người đi bộ. Đá lát có xô lệch chẳng qua là vì rễ cây trồi lên mà thôi.
Còn hiện nay, khi vỉa hè phải cõng trên lưng đủ các loại xe cộ ở mọi trạng thái dừng và chạy, thì lớp “áo” có xịn đến mấy, có bền 50, 70 hay 100 năm thì cũng rách. Vì đơn giản là vỉa hè không được xây để chịu nhiều trọng tải như đường đi.
Do đó, lát đá nào cho vỉa hè không phải là vấn đề mà vấn đề là ai sử dụng vỉa hè đó. Khi mà người ta còn để cho vỉa hè phải phục vụ nhiều đối tượng ngoài người đi bộ thì Hà Nội sẽ còn phải đón mùa xuân cùng với “mùa lát đát vỉa hè”, “mùa bụi bặm”, “mùa tắc đường”. Khi đó, những người đi bộ như tôi vẫn có cảm giác thật bất an khi dù đi trên vỉa hè mà ngỡ như đi giữa lòng đường.