Sau khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 6, trên các mạng xã hội và mặt báo, người tiêu dùng lặp lại điệp khúc than vãn tiền điện tăng cao bất thường. Có nhiều hộ gia đình nhận hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba, gấp bốn, thậm chí gấp cả vài chục lần như một số trường hợp cá biệt.
Gõ cụm từ “hóa đơn tiền điện tăng” trên Google và tìm trong thời gian từ đầu tháng 5 tới nay, có 11 trang kết quả tìm kiếm. Nếu không tính thời gian, có tới trên 2,2 triệu (tương đương vô số trang) kết quả tìm kiếm về tiền điện. Đủ để thấy vấn đề tiền điện nóng thế nào.
Nhà bà Đào Thị Gái ở Quảng Ninh vừa nhận hóa đơn gần 90 triệu đồng. Nhà chị Nguyễn Thị T. ở Nghệ An “tái mặt” với hóa đơn 16 triệu đồng. Còn chị H.V ở Hà Tĩnh bất ngờ khi hóa đơn tiền tiện lên tới 13,5 triệu đồng.
Những trường hợp tăng sốc này sau khi được phản ánh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kiểm tra lại và kết luận là do mưa dông, do ghi sai, do đường dây rò rỉ. Các khách hàng nói trên đều không phải trả số tiền cao chót vót đó. Tất nhiên, hóa đơn tăng gấp cả chục lần một cách vô lý như vậy khiến EVN khó mà đổ cho thời tiết nóng bất thường.
Còn với những gia đình kêu than tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba bao giờ cũng đành ngậm ngùi móc ví trả vì lời giải thích của EVN luôn là do “trời nóng”. Người tiêu dùng cũng không còn cách nào để biết chỉ số điện nhà mình có được ghi đúng không, khi quy trình từ A đến Z, thiết bị điện từ đường dây tới công tơ, đều do EVN quản lý, lắp đặt. Mấy ai có mặt đúng thời gian, địa điểm để soi công tơ và đối chiếu cùng nhân viên ghi số điện hàng tháng. Chẳng may chỉ số có bị ghi sai, khiến hóa đơn tăng chỉ vài trăm nghìn thì cũng không có cách nào biết.
Bức xúc, giận dữ của dư luận đã khiến Thủ tướng yêu cầu EVN phải làm rõ và xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Đã có một loạt quan chức, nhân sự ngành điện phải từ chức, bị kỷ luật trong các vụ việc “nhầm” nói trên. Động thái xử lý sai phạm được cho là mạnh tay, kịp thời, nhưng chỉ giải quyết một vài trường hợp “sốc” ở phần ngọn. Còn những bức xúc lâu dài, kéo từ mùa nóng này sang mùa nóng kia của hàng triệu hộ dân không có lựa chọn nào khác ngoài mua điện của EVN thì bản thân EVN chưa giải quyết được.
Nếu chúng ta tạm chấp nhận lời giải thích của “ông điện lực” là trời nóng, dùng điện nhiều, tiền điện tăng; nếu chúng ta tạm nghĩ rằng chỉ có một số ít nhân viên điện lực cố tình ghi sai số điện để moi tiền người tiêu dùng; thì EVN vẫn phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ: biểu giá điện bậc thang mà nhiều chuyên gia cho rằng đã lỗi thời và không minh bạch.
Không cần đến các chuyên gia kinh tế mà ngay những người dân bình thường cũng thấy 6 bậc thang dùng để tính trong biểu giá điện hiện nay là bất cập, không phù hợp với thực tế cuộc sống hiện đại. Số điện mà đa phần hộ gia đình dùng sẽ không dừng lại ở bậc 1 và 2 như trước đây, vì bậc này là chỉ thỏa mãn nhu cầu thắp sáng và chạy quạt điện. Dẫu biết rằng điện là loại hàng hóa đặc thù, không được khuyến khích dùng nhiều, nhưng trong xã hội hiện đại, người ta cần nhiều hơn là đèn sáng và quạt quay. Nếu bậc thang điện của EVN có mức tính hợp lý để theo kịp thực tế cuộc sống thì có lẽ EVN và người tiêu dùng có thể tránh được cuộc khẩu chiến đến mùa nóng lại nổi lên, mùa sau lại bức xúc hơn mùa trước.
Điều kiện cần để giải quyết tình trạng bức xúc theo mùa này chính là tính minh bạch, công khai trong hoạt động kinh doanh của EVN. Nếu minh bạch, sẽ không có ý kiến nói “ông điện lực” chỉ nhầm tăng, chứ không thấy nhầm giảm trong suốt thời gian qua. Nếu công khai, người tiêu dùng sẽ vui vẻ trả hóa đơn tiền điện, cho dù có tăng nhiều vào mùa nóng. Nếu rõ ràng, người tiêu dùng sẽ không bức xúc và mất niềm tin nghiêm trọng vào bên bán điện như hiện nay. Khi công nghệ phát triển, không khó để ngành điện có thể cùng khách hàng theo dõi, đối soát sản lượng điện một cách thuận tiện cho cả đôi bên.
Tuy nhiên, minh bạch vẫn chỉ là điều kiện cần vì dù nói kiểu gì thì EVN vẫn là người nắm đằng chuôi. Điều kiện đủ ở đây vẫn là vấn đề muôn thuở và chưa biết đến bao giờ mới đủ: chấm dứt độc quyền. Chỉ khi không có độc quyền về điện thì người tiêu dùng mới có nhiều lựa chọn và được hưởng lợi ích từ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp - điều đã xảy ra trong nhiều ngành, ví dụ như viễn thông.
Nhìn ra một số nước tiên tiến, có thể thấy họ hội cả điều kiện cần và đủ. Tại Đức, người dân có thể dễ dàng ước tính số điện tiêu thụ một năm của một người (từ 1.500 đến 2.000 kWh), nộp trước tiền điện ước tính cả năm và được trả lại hoặc phải đóng thêm vào cuối năm. Có nhiều công ty điện và các công ty điện đều tính theo giá cơ sở cộng thêm phí trên mỗi kWh. Tại New Zealand, đất nước 4,8 triệu dân có tới 39 công ty cung cấp điện. Với những nước trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia, họ cũng chia theo bậc thang nhưng mức thấp nhất cũng là 150 hoặc 200 kWh, chứ không chỉ là 50 kWh như ở Việt Nam.
Do đó, chỉ khi nào giải quyết được các điều kiện cần và đủ thì vấn đề tiền điện mùa nóng mới không còn nóng nữa. Người tiêu dùng không thể mãi chấp nhận lời giải thích liên quan thời tiết.