Gần 1 năm sau ngày Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ Donald Trump khai hỏa, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung liên tục leo thang và cuốn hai nước vào vòng xoáy các trận đánh “ăn miếng trả miếng” dữ dội. Trong cú ra đòn mới đây nhất, Tổng thống Trump đã nâng cấp toàn diện cuộc chiến tranh thương mại với quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, đồng thời để ngỏ khả năng áp thuế trừng phạt đối với toàn bộ 325 tỷ USD hàng Trung Quốc. Ngay lập tức, Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả và tăng thuế đối với hàng nghìn loại hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD bắt đầu từ ngày 1/6 tới.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng trận đánh mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả Mỹ lẫn Trung Quốc, khiến GDP của hai nước lần lượt giảm 0,2% và 0,5% trong năm 2019. Như vậy, có thể thấy rằng Mỹ-Trung sẵn sàng chấp nhận trả giá tăng trưởng GDP để quyết chiến trong cuộc chiến này.
Theo thống kê của Forbes, trong hai bài diễn văn khai mạc và bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX vào tháng 10/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần đề cập tới việc Trung Quốc là siêu cường hay cường quốc thế giới. Cũng tại kỳ đại hội này, ông Tập Cận Bình tự tin công khai khát vọng hiện thực hóa "Giấc mộng Trung Hoa" vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (năm 2049). Ngoài ra, Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh các chiến lược đầy tham vọng như “Vành đai, Con đường” hay "Made in China 2025" (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025).
Bên kia bờ Thái Bình Dương, có lẽ Tổng thống Trump đã cảm nhận thấy hơi nóng Trung Quốc phả vào gáy Mỹ, ảnh hưởng trực tiếp tới các lợi ích của Mỹ. Với chủ trương “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ngay từ ngày đầu tiên ngồi vào chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng, ông Trump đã tuyên bố đanh thép rằng Mỹ sẽ không bị lép vế nữa, sẽ không còn bị thiệt thòi hơn nữa trên các vũ đài quốc tế. Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trở thành phương tiện lý tưởng để nhà lãnh đạo Mỹ thực hiện chủ trương này. Phát động thương chiến để kìm hãm Trung Quốc là chiến lược của Tổng thống Trump. Washington cần mục tiêu cụ thể và Huwei (Hoa Vi) trở thành đối tượng lĩnh đòn trừng phạt.
“Xử” Huawei là Mỹ muốn giáng cú đòn vào niềm kiêu hãnh Trung Quốc. Trong quá trình trỗi dậy mạnh mẽ những năm qua, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn Trung Quốc ghi dấu ấn trên trường quốc tế, người Trung Quốc mong mỏi có một tập đoàn “Apple hay IBM phiên bản Trung Quốc”. Và Huawei chính là lá cờ đầu trong nỗ lực ấy, nỗi khát khao ấy của Bắc Kinh. Huawei hiện là tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới, đứng thứ hai toàn cầu về doanh số bán điện thoại thông minh (chỉ sau Samsung), sản xuất hàng loạt mặt hàng từ máy tính bảng cho tới thiết bị mạng di động và mạng băng thông rộng cố định. Doanh thu năm 2017 của tập đoàn này đạt 92,5 tỷ USD, chiếm tới 22% thị phần toàn cầu, bỏ xa các đối thủ đứng sau là Nokia (13%), Ericsson (11%) và ZTE (10%). Song điều đặc biệt khiến Tổng thống Trump “ra tay” với Huawei có lẽ là do tập đoàn này đang dẫn đầu và bỏ xa Mỹ trong cuộc chiến xây dựng mạng 5G, mạng viễn thông của tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc các ưu thế về công nghệ mà Mỹ nắm giữ lâu nay sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang, không chỉ gây thiệt hại cho chính hai nước tham chiến, mà còn khiến kinh tế toàn cầu run rẩy. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự leo thang của cuộc chiến, cho rằng thương chiến vừa gây phương hại tới tăng trưởng toàn cầu năm 2019, vừa làm suy yếu niềm tin cũng như đẩy giá cả nhiều mặt hàng tăng cao.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mang lại thời cơ, tất nhiên kèm theo cả với thách thức, cho nhiều nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương… Không còn là đồn đoán nữa, giờ đây cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang tạo ra một làn sóng dịch chuyển dòng vốn, công nghệ, hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc, nơi được ví von là “công xưởng thế giới”. Nhiều doanh nghiệp đã di dời cơ sở từ Trung Quốc sang Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ và Indonesia... Hàng loạt nhãn hàng như giày Brooks Running, máy giặt Haier, tất Jasan - vốn cung cấp sản phẩm cho các hãng thời trang thể thao nổi tiếng như Adidas, Puma, New Balance và Fila - đều đang nhắm tới Việt Nam như một điểm đến phù hợp.
Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam là một điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc. Đánh giá này dường như đang tạo tâm lý hồ hởi trong dư luận tại Việt Nam. Song, cần bình tĩnh nhắc nhớ nhau rằng thời cơ và thách thức luôn song hành.
Dịch chuyển dây chuyền sản xuất với qui mô lớn, cũng đồng nghĩa với tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Liệu Việt Nam có sẵn sàng chấp nhận các hậu quả môi trường để phát triển sản xuất, như Trung Quốc từng khốn khổ những năm qua? Bên cạnh lợi thế về chi phí nhân công rẻ, lực lượng lao động Việt Nam cũng bị đánh giá là có ít kinh nghiệm hơn so với người lao động Trung Quốc. Số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy Việt Nam có khoảng 10 triệu lao động sản xuất, Indonesia có 17,5 triệu, trong khi Trung Quốc có tới 166 triệu lao động. Như vậy, lực lượng lao động Việt Nam liệu có thể đáp ứng yêu cầu khi hàng loạt doanh nghiệp chuyển cơ sở từ Trung Quốc sang nước ta? Đó còn là chưa kể tới hàng loạt thách thức lớn khác như vấn đề chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng hay mạng lưới giao thông.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn mà nếu nắm bắt tốt thì nó sẽ giúp đất nước phát triển mạnh mẽ và tiến rất xa về khoa học, kỹ thuật-công nghệ, qua đó rút ngắn lộ trình tiến lên trở thành một nước công nghiệp phát triển. Khó khăn không ít, song chúng ta hy vọng và tin tưởng Đảng và Nhà nước sẽ có những quyết sách, đường hướng sáng suốt, phù hợp với xu thế của thế giới, tạo cơ sở để Việt Nam có những bước nhảy vọt về phát triển trong giai đoạn mới và trong một thế giới đang chuyển động không ngừng.
Video Tổng thống Trump gợi ý Mỹ có thể mua hàng hóa của Việt Nam thay hàng Trung Quốc (Nguồn:realclearpolitics)