Năm trưng cầu ý dân của Mỹ

Đầu tháng 1/2012, nước Mỹ bắt đầu cuộc đua đường trường và quanh co (sẽ kết thúc vào ngày 6/11) với đích đến là tòa nhà số 1600 Đại lộ Pennsylvania. Mở màn chặng maraton này là cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa (CH) tại bang Iowa cách đây hơn một tuần, với hy vọng sớm tìm ra một gương mặt xứng đáng nhất trong số 9 ứng cử viên của đảng để đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ (DC), đương kim Tổng thống Barack Obama. Chính xác hơn, cuộc thử lửa này sẽ xác định có hay không một đại diện của phe CH để "trục xuất" ông Obama khỏi Nhà Trắng.

Lúc này, không ai dám chắc chắn về kết quả cuộc bầu cử sẽ diễn ra sau 10 tháng nữa, bởi tất cả phụ thuộc vào tình hình kinh tế tăng trưởng hay suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp và gương mặt nào của đảng CH sẽ đối đầu với Tổng thống Obama.

Năm 2012, đảng DC không tổ chức bầu cử sơ bộ vì tổng thống của họ đang tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ hai. Đây là một lợi thế rõ ràng cho Tổng thống Obama bởi ông sẽ không bị mất sức vào cuộc chiến với những đồng minh chính trị trong đảng để giành tấm vé chung kết. Như vậy, ông có thể tập trung cho chiến dịch tuyên truyền thành công của chính quyền thay vì tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao trên hai mặt trận.

Năm 2008, cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hai ứng cử viên Obama và Hillary Clinton (hiện là Ngoại trưởng Mỹ) đã kéo dài đến tận Đại hội toàn quốc đảng DC và suýt nữa gây thảm họa. Nếu Tổng thống mãn nhiệm khi đó là George W. Bush, thuộc đảng CH, nhận được sự ủng hộ cao từ người dân và đảng này lựa chọn một ứng cử viên tốt hơn cựu chiến binh John McCain, kết quả bầu cử tổng thống có thể đã khác.

Khó có thể loại trừ khả năng tái đắc cử của ông Obama. Đúng là người Mỹ đang mất kiên nhẫn, nhưng không chỉ với đương kim Tổng thống mà với cả phe CH. Các ứng cử viên đảng này giờ đây đang lặp lại kịch bản "nội chiến" trong đảng DC năm 2008, và xem ra họ sẽ kéo dài cuộc chiến đến tận cuối tháng 8/2012, thời điểm diễn ra Đại hội toàn quốc của đảng.

Trong khi đó, ông Obama bắt đầu lấy lại uy tín trong cử tri một cách chậm chạp nhưng chắc chắn. Theo các cuộc thăm dò gần đây của Viện Gallup, uy tín của ông Obama đã dần nhích lên 46 - 49% so với khoảng 40% hồi mùa hè 2011. Tất nhiên, điều này không đảm bảo cho chiếc ghế của ông Obama ở Nhà Trắng nhưng thực sự là một thuận lợi cho ông.

Năm bầu cử 2012 rõ ràng sẽ là một cuộc trưng cầu ý dân của nước Mỹ, bốn năm sau ngày họ bầu ra vị tổng thống da màu đầu tiên với kỳ vọng mang lại đổi thay cho đất nước.


Nguyệt Ánh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN