Ngày 17/9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Phạm vi, đối tượng hỗ trợ là những người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất. Thời gian hỗ trợ chủ yếu trong tháng 9 và tháng 10 năm 2024.
Nghị quyết có 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó đa số đều tập trung chỉ đạo các bộ, ngành liên quan làm mọi việc cần thiết để hỗ trợ người dân và các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhằm nhanh chóng khôi phục hoạt động đời sống, sản xuất, kinh doanh sau cơn bão số 3.
Thiệt hại do cơn bão số 3, cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và mạnh nhất trong 70 năm qua trên đất liền, là rất lớn và không thể đong đếm hết được. Nó gây ra những hậu quả nặng nề chưa từng có về sinh mạng và vật chất cho các tỉnh phía Bắc, để lại những nỗi đau và khó khăn chồng chất.
Theo thống kê sơ bộ đến ngày 17/9, đã có 329 người chết và mất tích, ít nhất 1.929 người bị thương. Khoảng 234.700 căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; trên 307.400 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; gần 3 triệu gia súc, gia cầm bị chết…
Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP, dư luận đã rất đồng tình và đánh giá rất cao nghị quyết này. Nghị quyết là một minh chứng rõ nét về khả năng điều hành kịp thời, thiết thực và mang đậm tính nhân văn của Chính phủ trong đảm bảo an toàn đời sống người dân và giúp các doanh nghiệp khắc phục hậu quả bão lũ.
Về tính kịp thời, nghị quyết trên được ban hành ngay sau khi bão tan và mưa lũ tạm lắng ở miền Bắc. Ban hành nghị quyết nhanh chóng như vậy thể hiện tinh thần trách nhiệm của Chính phủ trong chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành liên quan hành động nhanh chóng để cấp thiết khắc phục hậu quả bão lũ.
Nghị quyết 143 đã đưa ra ngay các giải pháp cụ thể để khắc phục hậu quả và ổn định đời sống nhân dân. Tính kịp thời của nghị quyết đã giúp bảo vệ tính mạng người dân, đồng thời là cơ sở để nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đảm bảo các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục được phục hồi trong thời gian ngắn nhất có thể. Tính kịp thời của nghị quyết cũng đã giúp các bộ, ngành hành động theo tinh thần và quan điểm chỉ đạo của nghị quyết.
Về tính nhân văn, đây là một trong những giá trị cốt lõi của Nghị quyết 143/NQ-CP, thể hiện ngay trong nhóm giải pháp số 1 là bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân. Với phương châm “còn người là còn của”, Chính phủ luôn đặt ưu tiên bảo vệ tính mạng, sức khỏe và quyền lợi của người dân lên hàng đầu trong mọi tình huống, đặc biệt là trong thiên tai. Ngay từ đầu, nghị quyết đã chú trọng đến công tác chăm lo đời sống người dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế. Những chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho các nhóm này, như cấp phát lương thực, chỗ ở tạm thời, miễn giảm học phí cho học sinh tại các khu vực bị ảnh hưởng, đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ đối với từng cá nhân trong xã hội.
Về tính thiết thực, Nghị quyết 143 đề ra nhiều biện pháp có tính khả thi cao nhằm giảm thiểu thiệt hại và khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão lũ. Một trong những điểm đáng chú ý là chỉ đạo khôi phục nhanh chuỗi sản xuất và cung ứng, đặc biệt là trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề như nông nghiệp, dịch vụ và du lịch. Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, bộ ngành và địa phương thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài chính như miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi bão. Đồng thời, việc triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi cũng là giải pháp quan trọng để giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế.
Nghị quyết cũng tập trung vào tái thiết hạ tầng kinh tế - xã hội bị hư hại, như hệ thống giao thông, đê điều, thủy lợi, trường học và cơ sở y tế. Những công trình thiết yếu này không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho người dân mà còn là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.
Có thể ví Nghị quyết 143/NQ-CP như một chiếc phao cứu sinh để những người dân, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, thậm chí trắng tay sau bão lũ bấu víu vào để tìm cách vào bờ. Trong quá trình vào bờ đó, người dân và doanh nghiệp có an toàn, thuận lợi hay không đều phụ thuộc vào cách triển khai cụ thể của các bộ, ngành, địa phương. Nếu người dân và doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong nhận hỗ trợ do vướng mắc trình tự, thủ tục thì ý nghĩa của nghị quyết sẽ bị suy giảm.
Do đó, điều quan trọng là trong quá trình thực hiện nghị quyết, các bên phải đảm bảo tính kịp thời, nhân văn và thiết thực khi thực hiện các chỉ đạo một cách linh hoạt, trên tinh thần không tư lợi, thì nghị quyết mới có thể được đưa vào cuộc sống. Nếu không, nghị quyết sẽ chỉ kịp thời, nhân văn và thiết thực trên giấy. Khi chỉ còn vài tháng nữa là hết năm 2024 thì cần phải làm ngay, làm đúng, làm hiệu quả mọi chỉ đạo của nghị quyết.