Nhưng Luật pháp là vậy. Đó là sự nghiêm minh cần thiết để duy trì trật tự xã hội, bảo đảm cho sự tồn tại của một thể chế chính trị, một đất nước và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng không bị giới hạn bởi những “vùng cấm”.
Trong bất kì xã hội nào, cái xấu và cái tốt cũng luôn tồn tại song hành như hai mặt của một vấn đề, khi cái xấu mạnh lên thì cái tốt sẽ trở nên yếu thế và ngược lại, khi quyết tâm dẹp trừ cái xấu được chăm chút thì xã hội sẽ tốt lên, đó là điều tất yếu.
Chống tham nhũng cũng vậy, việc “phanh phui, gột rửa những nhem nhuốc, tiêu cực” cần phải được thực hiện quyết liệt, thường xuyên và minh bạch mới có thể xây dựng được niềm tin đối với người dân và có được sự đồng thuận của toàn xã hội. Niềm tin và sự đồng thuận chính là “lòng dân” cũng chính là nền tảng của một xã hội thịnh trị, một đất nước phát triển bền vững.
Chống tham nhũng cũng chính là lời nhắc nhở cán bộ là công bộc của dân chứ không phải là những người có quyền lực và được hưởng những đặc quyền, đặc lợi hoặc sử dụng quyền lực được giao để vun vén cho quyền lợi bản thân, gia đình, dòng họ...
Nhưng cũng cần nhìn thấy gốc rễ của vấn đề tham nhũng chính là quyền lực. Khi xã hội vẫn đề cao quyền lực cá nhân và bộ máy vận hành vẫn chịu sự chi phối quá nhiều của quyền lực cá nhân thì tham nhũng vẫn còn đất để tồn tại.
Sự tồn tại quyền lực cá nhân quá lớn không chỉ là vấn đề ở cơ cấu bộ máy tổ chức mà còn ở ý thức hệ của toàn xã hội. Việc những người làm công vụ “nhầm lẫn” giữa chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn chính là mấu chốt của vấn đề.
Khi xác định làm công vụ chính là làm đúng, làm đủ chức năng, nhiệm vụ được giao trong phạm vi quyền hạn của mình, chứ không phải dùng quyền lực được giao để giải quyết vấn đề theo chủ ý cá nhân thì động cơ, mục đích của cán bộ Nhà nước hẳn sẽ thay đổi.
Có thể đó cũng là một lý do để lý giải cho một nghịch lý vẫn tồn tại lâu nay, đó là ai cũng “than vãn” làm cán bộ nhà nước lương thấp, không đủ sống, nhưng vẫn đua nhau xin vào làm công chức, viên chức nhà nước. Và dù lương thấp nhưng nhiều người trong số họ vẫn có biệt phủ, có nhà lầu, xe hơi, có con cái học nước ngoài, có tài sản ở nước ngoài…
Có thể nhiều người trong số họ giàu lên nhờ những khoản thu nhập chính đáng, nhưng chắc hẳn có phần lớn những thu nhập ngoài lương được tạo ra từ quyền lực mà họ đang có. Đó có thể là những khoản “thù lao” “hoa hồng” sau mỗi dự án được phê duyệt hoặc một quyết định được kí… dù chưa bị pháp luật phát hiện, nhưng đó cũng chính là tham nhũng.
Những hành vi này tạo ra sự bất công trong xã hội, đánh mất niềm tin trong nhân dân và làm sai lệch động cơ, mục tiêu công việc của người làm công vụ, tạo ra những nhóm lợi ích từ quyền lực cá nhân... Một xã hội văn minh, không thể dung túng cho những hành vi này tồn tại.
Khi những hình ảnh những người từng là cán bộ cao cấp bị tra tay vào còng, dẫn giải đến phiên tòa xuất hiện trên mặt báo, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi cũng như một số người dân trên mạng xã hội, những người từng có thời gian gắn bó trong công việc, tình cảm với những cán bộ này đã bày tỏ suy nghĩ “có thể không còng tay được không?” vì rằng họ từng là những cán bộ cao cấp, họ là những trí thức, trước tòa chắc hẳn họ không thể có hành vi nào nguy hại cho những người xung quanh đến mức cần phải còng tay… chúng tôi hiểu đó là những tình cảm chân thành.
Người dân vẫn còn tình cảm, vẫn tin yêu những cán bộ do họ bầu lên, những người họ từng tín nhiệm. Họ cảm thấy đau lòng khi nhìn thấy những hình ảnh ấy… đó là tính nhân văn của người Việt. Nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng, chiếc còng kia không chỉ hạn chế những hành vi nguy hại mà còn là một lời nhắc nhở đanh thép rằng, luật pháp không vị tình riêng, và đó là sự nghiêm minh, công bằng một cách cần thiết.