Trường hợp của anh bạn tôi là một ví dụ. Cách đây 3 năm, tình cờ xem một video trên YouTube, nghe một lái xe chia sẻ, chạy Grab có thể thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng/tháng, anh bạn tôi liền bàn với vợ xin nghỉ việc ở một doanh nghiệp nhà nước, dốc vốn trang bị xe máy và điện thoại thông minh để chạy Grab. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, niềm hy vọng của vợ chồng anh đã bị tan biến. Anh kể, có thời điểm chạy cả ngày lẫn đêm, bất kể nắng mưa, giá rét, vậy mà thu nhập không đủ mua sữa cho con và trang trải chi phí sinh hoạt. Chưa kể, còn thường xuyên phải chi trả các khoản như tiền xăng xe, khấu hao phương tiện, chi phí sửa chữa…
Bởi vậy, tôi không mấy ngạc nhiên khi những ngày gần đây, lái xe Grab ùn ùn xuống đường, kéo đến trụ sở của Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab) ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để phản đối việc công ty này tăng 5-6% giá dịch vụ và tăng mức khấu trừ với tài xế từ 20% lên 27,27%.
Đại diện Công ty TNHH Grab Việt Nam cho biết, sở dĩ họ phải điều chỉnh mức tăng là cho phù hợp với quy định của Nghị định 126/2020/NĐ - CP của Chính phủ (có hiệu lực từ 5/12/2020) về cách kê khai thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ xe công nghệ. Cũng theo Grab, dù thực hiện mức khấu trừ như trên, nhưng tỷ lệ ăn chia vẫn không có gì thay đổi (lái xe hưởng 80% và Grab 20%), còn phần chênh là Grab thu hộ thuế VAT.
Theo quy định cũ, VAT được thực hiện theo tỷ lệ: Lái xe đóng 3% trên doanh thu thực nhận và Grab đóng 10% trên phần khấu trừ thu về. Khi Nghị định 126/2020/NĐ - CP có hiệu lực, Grab buộc phải kê khai và nộp toàn bộ VAT (thuế suất 10% trên tổng hóa đơn khách hàng trả mỗi cuốc xe). Tuy nhiên, Grab lại đẩy phần chênh lệch tăng thuế suất sang phía khách hàng và tài xế. Nếu muốn chịu mức thiệt hại thấp nhất bắt buộc người lái xe phải bỏ sức lao động và chi phí nhiều hơn.
Theo lý giải của Grab, dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe công nghệ hoàn toàn không có tính chất kinh doanh, mà chỉ là hoạt động tạo việc làm cho những người có thu nhập thấp. Bác lại quan điểm này, trong công văn gửi Công ty TNHH Grab Việt Nam, Tổng cục Thuế khẳng định, hoạt động của Grab thực chất là hoạt động kinh doanh vận tải, không phải là hoạt động kinh doanh công nghệ. Do đó, Grab có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ của mình, trong đó nghĩa vụ thuế được phân định cụ thể: Phần doanh thu của Grab phải chịu thuế VAT 10%; còn phần doanh thu của đối tác (người lái xe) chịu mức thuế 3% theo phương pháp tính thuế trực tiếp áp dụng đối với cá nhân kinh doanh.
Cũng theo Tổng cục Thuế, quy định mới của Nghị định126/2020/NĐ-CP không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân lái xe, cũng không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế GTGT 10% đối với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay).
Xin được nhấn mạnh, Nghị định 126/2020/NĐ-CP nhằm làm minh bạch, hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải công nghệ. Theo đó, việc Grab tăng khấu trừ vào thu nhập của các lái xe để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế VAT cho nhà nước là không đúng tinh thần của Nghị định 126/2020/NĐ-CP, nên việc phản đối của người lái xe là hoàn toàn bình thường.
Ở góc độ khác, mặc dù hoạt động kinh doanh, nhưng Grab chỉ nhận mình là bên cung cấp dịch vụ kết nối giữa hành khách và lái xe, nhưng lại thực hiện nhiều hoạt động không đúng với bản chất môi giới như thu tiền cước, quản lý lái xe, quyết định mức ăn chia, thưởng phạt với lái xe. Các lái xe không hoàn toàn là người cung cấp dịch vụ độc lập. Hơn nữa, khi làm việc cho Grab, tài xế phải thỏa mãn những điều kiện nhất định do Grab đặt ra, như các quy định về chất lượng phương tiện, chế độ thưởng phạt, hệ thống chấm điểm hành vi người lái xe, lái xe bắt buộc phải mặc đồng phục khi chở khách...
Với quan niệm như vậy, trong thời gian dài, Grab không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền lương tối thiểu cho hàng triệu lái xe. Còn với các lái xe, họ không phải là người cung cấp dịch vụ độc lập. Họ không được kiểm soát giá cước chuyến đi, không được mặc cả, thỏa thuận với khách hàng.
Mấu chốt của vấn đề là Grab cần thực hiện đúng quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải và tìm được tiếng nói chung với người lái xe trong triển khai thực hiện Nghị định 126. Chỉ có như vậy, Grab và đối tác của họ mới có thể “ngồi chung một thuyền” trong hoạt động kinh doanh vận tải.