Ngược dòng

Tân Thủ tướng Enrico Letta đứng đầu chính phủ liên minh tả - hữu vừa lên cầm quyền tại Italia đã khiến châu Âu “nhíu mày” khi quyết định “bơi ngược dòng” chính sách khắc khổ đang được áp dụng trên toàn châu lục trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng nợ công.


Trên thực tế, chính sách thắt lưng buộc bụng được áp dụng suốt mấy năm qua ở châu Âu từ khi xảy ra bão nợ công đang bộc lộ những mặt trái. Đối mặt với núi nợ khổng lồ vượt qua nhiều lần quy định của toàn khối, các nước đã phải viện đến chính sách khắc khổ để cân đối thu chi. Song, việc giảm mạnh chi tiêu đã khiến châu Âu mất dần năng lực cạnh tranh vào nhiều lĩnh vực vốn từng là thế mạnh và niềm tự hào của châu lục.

Không chỉ thế, tỉ lệ thất nghiệp tại nhiều nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Síp… tăng vọt, đẩy cuộc sống của phần đông người dân vào tình cảnh khó khăn và gây ra sự xáo động lớn trong xã hội với những làn sóng biểu tình phản đối rầm rộ đã và đang diễn ra khắp châu lục. Một số nước đã rơi vào suy thoái, không ít chính phủ phải ra đi. Cái giá phải trả thật cay đắng nhưng nhiều nước châu Âu vẫn đang buộc phải tuân thủ chính sách này nếu không muốn vỡ nợ và phải rời khỏi Eurozone.


Là một trong những nước đầu tiên rơi vào khủng hoảng nợ Eurozone, Italia cũng phải áp dụng chính sách khắc khổ suốt mấy năm qua. Nhưng, nợ của nước này hiện vẫn là 2.000 tỉ euro và dự báo sẽ tăng lên bằng 130,4% GDP trong năm nay, tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức hai con số trong khi kinh tế dự báo giảm 1,3%. Chính vì vậy, việc chính phủ mới của nước này tìm cách đảo ngược chính sách thắt lưng buộc bụng khiến châu Âu lưu tâm vì đây có thể được xem như liều thuốc thử ngõ hầu có thể thay đổi chính sách vốn đang đẩy châu Âu vào vòng luẩn quẩn của thất nghiệp cao - tăng trưởng thấp.


Thủ tướng Letta đã công bố một kế hoạch khá tham vọng, trong đó có việc ngay lập tức tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh thắt lưng buộc bụng, nới lỏng thuế, cắt giảm chi phí lao động nhằm giảm tỉ lệ thất nghiệp… Ông cũng đã đặt cược sinh mệnh chính trị của mình khi nói rằng sẽ từ chức nếu không đạt được những thành công đầy đủ như đã đề ra trong vòng 18 tháng tới. Thách thức là rất lớn song có thể nói thành công của kế hoạch cải cách ở Italia, nếu có, sẽ là dấu hiệu báo hiệu hồi kết của chính sách khắc khổ tại châu Âu.

Đỗ Sinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN