Nguồn cơn của những “bình loạn” về tự do ngôn luận nêu trên là việc các cơ quan chức năng đã triệu tập và xử lý hàng trăm đối tượng tung tin sai sự thật về đại dịch COVID-19 thời gian qua. Việc xử lý kịp thời và kiên quyết bằng nhiều giải pháp pháp lý, kỹ thuật, truyền thông… đối với tin giả đã góp phần ổn định tình hình, hạn chế những thiệt hại của dịch bệnh, đồng thời tạo nên sức mạnh cộng đồng ngăn chặn dịch lây lan.
Đến sáng 7/6, chúng ta đã có 52 ngày không có ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Trong kết luận ngày 5/6, Bộ Chính trị đã đánh giá “công tác phòng, chống dịch đã đạt kết quả tốt, Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh. Đồng thời, đã có những chính sách kịp thời để từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19; các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội đang được khôi phục; tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Chính phủ”.
Kết quả chống dịch ấn tượng của Việt Nam còn được khẳng định không chỉ qua đánh giá của các tổ chức, chuyên gia quốc tế mà ngay cả giới truyền thông. Có thể dẫn chứng như: Trang tin Marzahn-hellersdorf (Đức) có bài nhìn nhận sự thành công của Việt Nam trong chống dịch COVID-19 là nhờ 3 yếu tố gồm hành động sớm, truy dấu tiếp xúc và tuyên truyền. Nhật báo Idnes.cz (Séc) cũng đánh giá Việt Nam là một trong những nước thành công nhất trên thế giới trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố và sự đoàn kết của toàn xã hội. Trang mạng Eastasiaforum.org (Singapore) đăng bài đánh giá Việt Nam là một trong những nước thành công nhất ở châu Á trong việc kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Theo bài báo, Việt Nam đã thể hiện sự công khai, minh bạch cao trong đối phó với khủng hoảng dịch bệnh. Tờ Globe and Mail (Canada) đăng bài đánh giá “thành tích của Việt Nam trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 là đặc biệt nổi bật, có thể nói là độc nhất vô nhị” và gọi đây là “chuẩn mực trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19". Nhà văn, nhà báo nổi tiếng Indonesia Agus Marwan, Tổng Thư ký Diễn đàn Văn chương Indonesia có bài phân tích 12 điểm thành công của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đã lan tỏa các thông điệp truyền thông rõ ràng về COVID-19 cho người dân và kiểm soát tin giả trong không gian mạng. Lực lượng an ninh Việt Nam đã xử lý mạnh tay đối với các đối tượng tung tin giả…
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới vẫn đang phải vật lộn để chống chọi lại cùng lúc hai loại dịch là COVID-19 và tin giả về COVID-19. Tin giả về COVID-19 đã bùng phát mạnh trên mạng xã hội toàn cầu ngay từ lúc WHO còn chưa đặt tên cho căn bệnh lạ này. Không chỉ gây mất niềm tin của dân chúng vào các biện pháp của chính quyền, khiến cho dịch bệnh càng khó kiểm soát mà tin giả về các biện pháp chữa trị, phòng bệnh đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người. Trên 300 người Iran đã tử vong, trên 1.000 người phải nhập viện do ngộ độc rượu sau khi có thông tin trên mạng rằng uống rượu là phương pháp giúp phòng ngừa COVID-19. Hồi giữa tháng 2, khoảng 200 tín đồ Hindu giáo ở Ấn Độ đã tổ chức sự kiện uống nước tiểu bò ở thủ đô New Delhi vì tin rằng nó có thể chữa được COVID-19. Còn Bộ Y tế Pháp thì phải đăng tuyên bố bác bỏ thông tin trên mạng rằng “cocaine có thể chữa COVID-19”…
Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới cũng đã khẩn cấp áp dụng các biện pháp mạnh tay với những đối tượng tung tin giả. Singapore đã ban hành đạo luật Chống thông tin sai trái và thao túng trên mạng với án tù giam lên tới 10 năm. Thái Lan đã thành lập Trung tâm Chống tin giả để phối hợp với cảnh sát phát hiện, truy tìm và bắt giữ các đối tượng tung tin giả về COVID-19. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố việc bịa đặt và phát tán thông tin sai lệch về dịch COVID-19 là “hành vi phạm tội nghiêm trọng”. Trong tháng 3, lực lượng an ninh Iran đã bắt giữ hàng chục đối tượng tung tin đồn trên mạng về dịch bệnh và cảnh cáo 118 người. Gần 70 đối tượng cũng bị bắt giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ vì tội danh tương tự. Tại châu Âu, Nga là một trong những nước đi đầu chống tin giả về COVID-19. Ngay sau khi ban hành luật đầu tháng 4, Nga đã khởi tố hình sự vụ tin giả đầu tiên liên quan tới COVID-19. Đức, Pháp cũng đã thông qua luật chống tin giả trên mạng xã hội. Nam Phi cũng ban hành luật mới có thể phạt tù người tung tin giả…
Ở Việt Nam, lực lượng báo chí cách mạng sắp kỷ niệm 95 năm đồng hành vẻ vang cùng dân tộc, luôn vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hướng tới và giáo dục các giá trị chân - thiện - mỹ. Do đó, nói Việt Nam thiếu tự do ngôn luận nếu không phải là thiếu hiểu biết thì chỉ có thể là ngụy biện.